Các loại chiến lược

Mục lục

Các loại chiến lược

Trong một tổ chức, quản trị chiến lược có thể tiến hành ở 3 cấp cơ bản: cấp công ty, cấp đơn vị kinh doanh và cấp bộ phận chức năng. Tiến trình quản trị chiến lược ở mỗi cấp có hình thức giống nhau gồm các giai đoạn cơ bản: phân tích môi trường, xác định nhiệm vụ và mục tiêu, phân tích và lựa chọn chiến lược, tổ chức thực hiện và kiểm tra chiến lược. Ba cấp chiến lược cơ bản này không độc lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chiến lược cấp trên là tiền đề cho chiến lược cấp dưới, đồng thời chiến lược cấp dưới phải thích nghi với chiến lược cấp trên thì tiến trình thực hiện chiến lược mới có khả năng thành công và đạt hiệu quả (Hình 1.1)

Hình 1.1: Mối quan hệ giữa 3 cấp chiến lược

Nguồn: Nguyễn Thị Liên Diệp – Phạm Văn Nam (2006), “Chiến lược và chính sách kinh doanh”, NXB Lao động – Hà Nội

1.2.2.1. Chiến lược cấp công ty

Chiến lược cấp công ty xác định những định hướng của tổ chức trong dài hạn nhằm hoàn thành nhiệm vụ, đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Trong doanh nghiệp, nó thường trả lời câu hỏi doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực kinh doanh nào? Doanh nghiệp sẽ phân bổ nguồn lực của mình cho những lĩnh kinh doanh đó như thế nào? Theo đó trong tương lai doanh nghiệp có thể phát triển dựa trên các hoạt động kinh doanh hiện tại, hoặc mở rộng thêm hoạt động kinh doanh mới, hoặc có thể phải thu hẹp lại. Do vậy chiến lược cấp công ty có các loại sau:

– Chiến lược tăng trưởng tập trung: là chiến lược chủ đạo đặt trọng tâm vào việc cải tiến sản phẩm hoặc thị trường hiện có mà không thay đổi bất kỳ yếu tố nào. Khi theo đuổi chiến lược này thì doanh nghiệp hết sức cố gắng để khai thác mọi cơ hội có được về các sản phẩm hiện đang sản xuất hoặc thị trường hiện đang tiêu thụ bằng cách thực hiện tốt hơn các công việc mà họ đang tiến hành. Bao gồm các chiến lược thâm nhập thị trường, phát triển thị trường, phát triển sản phẩm.

– Chiến lược tăng trưởng bằng con đường hội nhập: Chiến lược tìm sự tăng trưởng bằng cách nắm quyền sở hữu hoặc tăng sự kiểm soát đối với nguồn cung ứng hoặc các kênh phân phối. Chiến lược này thích hợp với các doanh nghiệp đang kinh doanh các ngành kinh tế mạnh nhưng còn đang do dự hoặc không có khả năng triển khai một trong các chiến lược tăng trưởng tập trung. Bao gồm các chiến lược liên kết phía trước, phía sau.

– Chiến lược tăng trưởng đa dạng hoá: tìm cách tăng trưởng bằng cách sản xuất các sản phẩm mới, chiến lược này thích hợp với các doanh nghiệp không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng với các sản phẩm và dịch vụ đang kinh doanh. Bao gồm đa dạng hóa đồng tâm, hàng ngang, hỗn hợp.

– Chiến lược suy giảm: khi doanh nghiệp cần sắp xếp lại để tăng cường hiệu quả sau một thời gian tăng trưởng nhanh, khi trong ngành không còn cơ hội tăng trưởng dài hạn. Bao gồm chiến lược cắt giảm chi phí, thu lại vốn đầu tư, thu hoạch, giải thể.

– Chiến lược hỗn hợp (tiến hành đồng thời nhiều chiến lược), chiến lược hướng ngoại (sáp nhập, mua lại, liên doanh).

1.2.2.2. Chiến lược cấp kinh doanh

Chiến lược cấp kinh doanh trong một công ty có thể là một ngành kinh doanh hay một chủng loại sản phẩm… Chiến lược này nhằm định hướng phát triển từng ngành hay từng chủng loại sản phẩm góp phần hoàn thành chiến lược cấp công ty. Để thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp phải xác định rõ lợi thế của từng ngành so với đối thủ cạnh tranh để đưa ra chiến lược phù hợp với chiến lược cấp công ty.

 

 

                                Lợi thế cạnh tranh
Sản phẩm, dịch vụ riêng có, độc đáo Chi phí thấp
Phạm vi cạnh tranh Rộng 1.Khác biệt hóa 2.Chi phí thấp nhất
Hẹp 3a.

Tập trung

dựa vào khác biệt hoá

3b.

Tập trung

dựa vào chi phí thấp

Hình 1.2: Các chiến lược cạnh tranh tổng quát của M. Porter

( Nguồn: “Chiến Lược Cạnh Tranh Theo Lý thuyết M..Porter” TS. Dương Ngọc Dũng)

Theo M. Porter có 3 loại chiến lược cạnh tranh tổng quát là chiến lược dẫn đầu nhờ phí thấp (cost leadership), chiến lược khác biệt hóa (differentiation) và chiến lược tập trung (focus) (Hình 1.2). Các chiến lược này được hình thành dựa trên lợi thế cạnh tranh và phạm vi cạnh tranh của doanh nghiệp. Các chiến lược này được gọi là tổng quát vì tất cả các doanh nghiệp ở mọi ngành đều có thể sử dụng, không kể là ngành sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ. Theo M. Porter có 2 loại lợi thế cạnh tranh cơ bản đó là: 1) Lợi thế về sản phẩm, dịch vụ có sự độc đáo, khác biệt mà đối thủ cạnh tranh không có; và 2) Lợi thế về chi phí thấp hơn đối thủ cạnh tranh. Còn về phạm vi cạnh tranh, tùy theo năng lực doanh nghiệp có thể cạnh tranh ở phạm vi rộng (toàn bộ hoặc phần lớn các phân khúc thị trường) hoặc ở phạm vi hẹp (ở 1 hoặc một vài phân phúc thị trường cụ thể). Trên thực tế DN có thể theo đuổi một loại chiến lược cạnh tranh hoặc đồng thời cùng một lúc cả chiến lược khác biệt hoá và chiến lược chi phí thấp.

– Chiến lược dẫn đầu nhờ phí thấp là chiến lược mà doanh nghiệp cạnh tranh trên phạm vi rộng bằng cách tạo ra lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí thấp và sử dụng chi phí thấp để định giá dưới mức giá của các đối thủ cạnh tranh nhằm thu hút số đông khách hàng nhạy cảm với giá cả để gia tăng lợi nhuận.

– Chiến lược khác biệt hóa là chiến lược mà doanh nghiệp cạnh tranh trên phạm vi rộng bằng cách tạo ra sản phẩm dịch vụ độc đáo, riêng có và các chương trình Marketing khác biệt rõ rệt so với đối thủ cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng.

– Chiến lược tập trung là chiến lược mà doanh nghiệp cạnh tranh trên một phạm vi hẹp (một hoặc một số phân khúc thị trường mà họ có lợi thế nhất) dựa vào bất kỳ năng lực cạnh tranh nào mà họ có. Như vậy, trong chiến lược tập trung doanh nghiệp cũng có thể chọn chiến lược tập trung dựa vào chi phí thấp hoặc khác biệt hóa, tùy theo năng lực cạnh tranh của mình.

Theo vị trí, thị phần trên thị trường có thể phân thành các chiến lược cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh dẫn đầu thị trường, thách thức thị trường và theo sau thị trường.

– Chiến lược dành cho các đơn vị kinh doanh dẫn đầu thị trường bao gồm chiến lược mở rộng tổng nhu cầu thị trường, chiến lược bảo vệ thị phần và chiến lược mở rộng thị phần.

Chiến lược mở rộng tổng nhu cầu thị trường là chiến lược khai thác tối đa khả năng tiêu thụ sản phẩm bằng các biện pháp như: Tìm kiếm khu vực địa lý mới, tìm kiếm khách hàng mới, phát triển công cụ mới hay khuyến khích sử dụng sản phẩm nhiều hơn,…

Chiến lược bảo vệ thị phần là chiến lược giành cho các đơn vị dẫn đầu thị trường để bảo vệ vị trí dẫn đầu của mình. Đó là các chiến lược như: Phòng thủ vị trí bằng cách luôn rà soát để có những chiến lược bảo vệ vị trí của mình, thường dùng các giải pháp như luôn chỉnh đốn các hoạt động để giữ được chi phí thấp, dịch vụ hoàn hảo,… nhằm giữ chân khách hàng; đa dạng hóa sản phẩm để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng hay đổi mới liên tục nhằm tăng các giá trị gia tăng cho khách hàng,…

Chiến lược mở rộng thị phần là chiến lược giành cho các đơn vị dẫn đầu thị trường. Họ luôn có lợi thế để mở rộng thị phần bằng cách thâu tóm, mua lại các đơn vị đối thủ nhỏ, tấn công các đối thủ cạnh tranh yếu.

– Chiến lược cạnh tranh dành cho các đơn vị kinh doanh thách thức thị trường thường được sử dụng cho các đơn vị đứng sau đơn vị dẫn đầu thị trường nhưng có tiềm lực mạnh có thể tấn công đơn vị dẫn đầu và các đơn vị khác để gia tăng thị phần, để thực hiện cần phải xác định rõ mục tiêu, đối thủ cạnh tranh và lựa chọn chiến lược tấn công thích hợp, có thể là các chiến lược như tấn công phía trước, tấn công bên sườn, tấn công đường vòng…

– Các chiến lược dành cho các đơn vị theo sau thị trường là chiến lược giành cho các đơn vị yếu không đủ sức để đương đầu với các đơn vị mạnh, do đó tìm cách tránh né đi theo sau các đơn vị mạnh. Các chiến lược có thể lựa chọn như: mô phỏng hoàn toàn, tức là bắt chước hoàn toàn các đơn vị mạnh; mô phỏng một phần, tức là chỉ bắt chước một phần và mô phỏng có cải tiến, tức là bắt chước và có cải tiến cho phù hợp với mình.

1.2.2.3. Chiến lược cấp chức năng

Các doanh nghiệp đều có các bộ phận chức năng như: marketing, nhân sự, tài chính, sản xuất, nghiên cứu và phát triển… Các bộ phận này cần có chiến lược để hỗ trợ thực hiện chiến lược cấp kinh doanh và cấp công ty. Nó chính là các chiến lược ở cấp chức năng như: Chiến lược marketing, chiến lược nguồn nhân lực, chiến lược R&D, chiến lược sản xuất, chiến lược đầu tư, chiến lược tài chính… Các chiến lược cấp chức năng thường có giá trị trong từng thời đoạn của quá trình thực hiện chiến lược cấp đơn vị kinh doanh và cấp công ty. Nó cũng có thể coi là những chính sách, giải pháp để thực hiện chiến lược cấp kinh doanh và cấp công ty.

Các loại chiến lược

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?