Tổng quan tình hình nghiên cứu về Quản lý tín dụng chính sách

thị trường bảo hiểm

Mục lục

Tổng quan tình hình nghiên cứu về Quản lý tín dụng chính sách

1. Tình hình nghiên cứu trong nước

Nghiên cứu của TS. Đoàn Phương Thảo (2015) về “Tăng cường thu hút đầu tư của tư nhân nhằm phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam” [8] đã tổng hợp được lý luận về an sinh xã hội với hệ thống tín dụng chính sách của Nhà nước can thiệp nhằm quản lý rủi ro tốt hơn trong điều kiện người dân không có thu nhập tạm thời hoặc vĩnh viễn so với mức tối thiểu để sống (do luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến nhu cầu cơ bản nhất của con người: rủi ro về sức khỏe, thiếu hoặc mất việc làm, tuổi già, trẻ em…). Tác giả đã nghiên cứu thực trạng thu hút đầu tư của tư nhân để phát triển ASXH ở Việt Nam, giai đoạn 2011-2014. Theo đó, tác giả khẳng định lại một lần nữa nguồn vốn cho ASXH dựa vào nguồn NSNN, nguồn vốn tư nhân và các nguồn khác nhưng nguồn NSNN là chủ yếu. Tác giả đã nghiên cứu và chỉ ra trong giai đoạn từ 2011-2014, nguồn vốn dành cho ASXH chủ yếu do NSNN cấp, chiếm khoảng 53%, hàng năm tăng khoảng 22%.

Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Kim Anh và đồng nghiệp (2011) về “Tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam, kiểm định và so sánh” [23] đã chỉ ra vai trò của tài chính vi mô với giảm nghèo ở Việt Nam thông qua việc kiểm định và so sánh hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam với công tác giảm nghèo. Nhóm nghiên cứu công bố một số kết quả hoạt động tín dụng của tài chính vi mô cho người nghèo: Những năm gần đây, sự tăng nhanh của tín dụng vi mô cho các hộ gia đình nghèo và các nhóm mục tiêu chính sách xã hội chủ yếu là do sự tăng trưởng nhanh chóng của các danh mục đầu tư từ NHCSXH, được tài trợ bởi nguồn vốn do Nhà nước huy động thông qua phân bổ ngân sách, tiền ký quỹ bắt buộc từ các NHTM Nhà nước và các khoản đảm bảo vay toàn phần của Chính phủ.

Nghiên cứu của PGS.TS. Đinh Xuân Hạng (2014) với chủ đề “Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam” [7] cho thấy sự phát triển bền vững của NHCSXH là sự phát triển đảm bảo tính ổn định, đảm bảo mối quan hệ hài hòa, lành mạnh giữa các mặt lợi ích của nhà nước, ngân hàng và khách hàng, đáp ứng nhu cầu hiện tại và khả năng phát triển trong tương lai phù hợp với nhu cầu thị trường và phát triển chung của nền kinh tế. Sự phát triển bền vững của NHCSXH được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau: NHCSXH hoạt động dựa trên một nền tảng năng lực tài chính vững chắc; hệ thống quản trị rủi ro hiệu lực, hiệu quả; nguồn nhân lực đủ về số lượng, chất lượng ngày một nâng cao, đạo đức nghề nghiệp thường xuyên được củng cố, phát huy; hệ thống kỹ thuật công nghệ hiện đại, tương thích với hệ thống giao dịch; quá trình hoạt động và phát triển NHCSXH phải được thực hiện dựa trên một môi trường hoạt động bền vững.

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Lan Hương và cộng sự (2013) với chủ đề “Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020” [24] chỉ ra chính sách giảm nghèo có tính liên ngành, do vậy đa phần các chính sách đề cập trong 4 trụ cột cơ bản của ASXH. Theo nhóm nghiên cứu, phát triển hệ thống ASXH nhằm các mục tiêu: Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, đất sản xuất cho hộ nghèo DTTS, khuyến nông-lâm-ngư, phát triển ngành nghề, xuất khẩu lao động; nâng cao vốn nhân lực của người nghèo thông qua tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở và nước sinh hoạt; giảm bất bình đẳng giữa các vùng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã nghèo, vùng đồng bào DTTS. Nhóm nghiên cứu cũng đã nêu ra được những vấn đề tồn tại sau: Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong vấn đề giảm nghèo; Khủng hoảng kinh tế và và các bất ổn kinh tế vĩ mô khác xuất hiện với quy mô và tần suất ngày càng lớn đã tác động mạnh đến sinh kế của người nghèo, tốc độ giảm nghèo chậm dần, số hộ tái nghèo tăng cao; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng và nhóm dân cư lớn và có xu hướng gia tăng; biến đổi khí hậu toàn cầu, thảm họa thiên nhiên ngày càng nhiều hơn và khó kiểm soát làm tăng nhóm dễ bị tổn thương; nghèo đói có xu hướng tập trung nhiều hơn ở nhóm đồng bào DTTS, vùng miền núi (năm 2012, DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước, trong khi thu nhập bình quân chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân dân cư cả nước); một bộ phận hộ nghèo rơi vào nghèo kinh niên, nghèo đói truyền kiếp và không thể tự vươn lên thoát nghèo đòi hỏi phải có những chính sách đặc thù.

 

Nghiên cứu của Mai Phương Lan, Nguyễn Mậu Dũng và Philippe Lebailly (2012) với chủ đề “Phân cấp quản lý và chương trình xóa đói giảm nghèo” [16] tập trung phân tích sự phân cấp quản lý Chương trình XĐGN quốc gia theo hướng chuyển giao trách nhiệm quản lý, huy động và phân bổ nguồn lực từ trung ương đến các đơn vị cấp Bộ, ngành và các địa phương. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra được những tồn tại trong phân cấp quản lý Chương trình XĐGN, cụ thể: Trong phân bổ nguồn lực của Chương trình, rất khó có thể theo dõi việc phân bổ từ nguồn ngân sách Nhà nước và theo dõi các nguồn này được sử dụng như thế nào; việc chậm ban hành các hướng dẫn và sự thiếu rõ ràng của các văn bản từ cấp trung ương dẫn đến việc địa phương chậm trễ thực hiện hoặc thực hiện sai và lúng túng trong quá trình thực hiện; năng lực của cán bộ địa phương chưa đáp ứng được với những công việc mà họ được giao từ chương trình XĐGN; Sự thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.

Nghiên cứu của ThS. Trần Thùy Linh (2015) với chủ đề “Triển khai tín dụng chính sách tại một số quốc gia châu Á và thực tiễn tại Việt Nam” [28] chỉ ra rằng chính sách tín dụng là công cụ điều tiết của Nhà nước nhằm kích thích nền kinh tế cũng như thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của một nhóm đối tượng được chính sách hướng tới. Qua thực tiễn triển khai nguồn vốn này ở một số quốc gia châu Á, bài viết liên hệ tới tình hình triển khai chính sách này tại Việt Nam. Theo góc độ kinh tế, các chương trình tín dụng chính sách được thiết kế để khắc phục vấn đề ngoại ứng hay thông tin bất cân xứng, khiến thị trường tự thân không có khả năng phân bổ nguồn lực tối ưu đến các đối tượng hay khu vực kinh tế. Tác giả đánh giá việc triển khai chương trình tín dụng chính sách của các nước trong khu vực và thực tiễn hoạt động của hai ngân hàng VDB và VBSP: Chương trình tín dụng chính sách vẫn còn khá tồn tại nhiều hạn chế, khiếm khuyết cả về cơ chế, chính sách và năng lực, đòi hỏi trong thời gian tới cần phải chuyển biến mạnh mẽ về quy mô lẫn năng lực; quy mô đầu tư của VDB và VBSP hiện còn chưa tương xứng với nhu cầu khách quan.

Nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai (2012) với chủ đề “Chính sách xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn” [25] đã chỉ ra được những thành tựu của chính sách giảm nghèo và ASXH ở vùng đặc biệt khó khăn. Tác giả cho rằng, bên cạnh những thành tựu của chương trình mục tiêu giảm nghèo, Chính phủ đã nỗ lực thực thi chính sách đảm bảo ASXH trên 3 phương diện sau: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS; chính sách bảo hiểm y tế; chính sách trợ giúp xã hội. Tác giả cũng đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của chính sách giảm nghèo và ASXH ở vùng khó khăn: Kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao, đặc biệt ở huyện miền núi, vùng cao, biên giới; việc dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu; việc cho vay tín dụng ưu đãi chưa gắn với hỗ trợ và hướng dẫn về sản xuất, khuyến nông một cách hiệu quả… Tác giả cũng đã đề xuất cần thiết xây dựng một chương trình giảm nghèo chung, bền vững và toàn diện, bao gồm hệ thống các chính sách giảm nghèo; lồng ghép và chỉ đạo thực hiện tập trung, thống nhất các chương trình, dự án có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm ASXH có hiệu quả nhất.

2. Tình hình nghiên cứu trên thế giới

Nghiên cứu Frede Moreno (2004) chủ đề “Good governance in microcredit strategy for poverty reduction: Focus on western Mindanao, Philippines” [40] đã nghiên cứu về quản trị tốt chiến lược tín dụng vi mô trong giảm nghèo: nghiên cứu tại miền Tây Mindanao, Philippine. Theo tác giả, nghiên cứu nhằm xác định và giới thiệu chương trình tín dụng vi mô dựa trên những tiềm lực kinh tế xã hội địa phương cũng như nhu cầu, khả năng của những người thực hiện chương trình và những người được hưởng lợi. Tác giả cũng đã khẳng định rằng vận hành các nguyên tác quản trị tốt trong phát triển chiến lược tín dụng vi mô là điều cần thiết để tín dụng vi mô thành một chiến lược khả thi cho công cuộc XĐGN và trở thành công cụ hiệu quả cho phát triển nông thôn. Tác giả cũng đã đúc kết những nhân tố ảnh hưởng đến các chương trình tín dụng vi mô đó là tài chính hộ gia đình, nhu cầu tín dụng của người nghèo, kinh nghiệm tín dụng, nhà cung cấp tín dụng cho người nghèo. Tác giả cũng đã đề xuất giải pháp để quản lý tốt các chiến lược tài chính vi mô: Quản trị tốt là phải có sự tham gia; quản trị tốt tín dụng vi mô là sự minh bạch; quản trị tài chính vi mô là phải có trách nhiệm giải trình; quản trị tốt tín dụng vi mô hướng tới sự bền vững.

Nghiên cứu của Takyi, Emmanuel Ankrah (2011) với chủ đề “Micro-credit management in rural Bank: The case of Baduman rural Bank Ltd” [47] đã nghiên cứu về quản lý tín dụng vi mô ở các ngân hàng nông thôn. Theo tác giả, thành công của nghiên cứu này sẽ phục vụ như là một công cụ hữu ích cho các bên liên quan khác trong quản lý tín dụng vi mô có hiệu quả. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng để quản lý tốt tín dụng vi mô cần được kết hợp vào các hoạt động ngân hàng nông thôn. Nghiên cứu này cũng nhằm đánh giá những món vay nhỏ theo chuẩn quy định của Ngân hàng Ghana. Đánh giá những tiêu chí nhằm xác định khách hàng vay vốn. Kiểm tra hiệu quả quy trình giải ngân, giám sát và trả nợ. Tìm hiểu mức độ khách hàng được ngân hàng đào tạo và giám sát khách hàng từ khi bắt đầu đến khi tất toán. Đánh giá sự phù hợp của các chính sách tín dụng so với mục tiêu của Ngân hàng. Và cuối cùng là xác định chắc chắn những vấn đề mà ngân hàng phải đối mặt khi thu hồi các khoản vay.

Nghiên cứu của Agba,A.M.ogaboh, Stephen Ocheni và Festus Nkpoyen (2014) với chủ đề “Microfinance Credit Scheme and Poverty Reduction among Low-Income Workers in Nigeria” [32] theo đó, đói nghèo đã được công nhận là một vấn đề xã hội được Chính phủ và các tổ chức quốc tế quan tâm. Chương trình tín dụng vi mô được phổ biến để tăng khả năng tiếp cận các khoản vay đối với những người thu nhập thấp để nâng cao đời sống cho họ. Nhóm nghiên cứu thấy rằng chương trình tín dụng vi mô là công cụ hữu hiệu để giảm nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, tại Nigeria, những lợi ích của chương trình trình tín dụng vi mô vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Điều này thừa nhận Chính phủ Nigeria đã thất bại trong giảm nghèo. Lý do ở đây là thái độ thử nghiệm của Chính phủ, thực thi chưa đúng, thiếu kinh phí, thiếu chuyên gia và thiếu tính liên tục. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng chương trình tín dụng vi mô đóng vai trò quan trọng trong giảm nghèo, phát triển doanh nghiệp, tạo cơ hội tiết kiệm, nâng vị thế người nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và cũng đã lập luận rằng chương trình tín dụng vi mô lấy hộ gia đình có thu nhập thấp từ độ sâu thiếu thốn, tuyệt vọng lên thành hi vọng, tự trọng và ý thức về phẩm giá.

Nghiên cứu của Mario Olivares và Sofia Santos (2009) với chủ đề “Market Solutions in Poverty: The Role of Microcredit in Development Countries with Financial Restrictions” [43] đã nghiên cứu về giải pháp thị trường về giảm nghèo, vai trò của tín dụng vi mô ở các nước đang phát triển hạn chế về năng lực tài chính. Việc tạo ra các thị trường tín dụng ở các nước nghèo là một yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của những nước đó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tín dụng chính thức không được nhiều người biết đến khi họ cần vay tiền để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Hàng triệu người trên thế giới không tiếp cận được với các dịch vụ tài chính từ các tổ chức tài chính chính thức. Tác giả nghiên cứu đã khái quát các yếu tố quan trọng của tài chính vi mô. Vai trò của tín dụng vi mô trong giảm nghèo phản ánh sự thành công gần đây của chương trình cho vay quy mô nhỏ. Trong thập kỷ qua, các tổ chức tài chính vi mô đã thành công trong việc cung cấp dịch vụ tín dụng và tiết kiệm cho người nghèo kinh doanh, thông qua các chiến lược sáng tạo. Chúng bao gồm việc cung cấp các khoản vay nhỏ cho người nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn với mức lãi phù hợp và không cần thế chấp. Nhưng tác giả cũng lưu ý rằng không thể tự cáng đáng được các chi phí và cũng khó thực hiện trong một xã hội đồng nhất, những khoản tiết kiệm của khách hàng chỉ bằng 1/3 quỹ cho vay. Mô hình này sẽ rất tốn chi phí, đòi hỏi mất nhiều thời gian của nhân viên cũng như của khách hàng.

Nghiên cứu của Janda K. và P. Zetek (2014) với chủ đề “Survey of Microfinance Controversies and Challenges” [46] cung cấp một cái nhìn tổng quan ngắn gọn nhưng toàn diện về tài liệu học thuật tài chính vi mô, nhấn mạnh về đổi mới gần đây, xu hướng và hiệu quả. Đặc biệt, tác giả tập trung vào nghiên cứu các vấn đề gây tranh cãi của tài chính vi mô, như thương mại hóa, quy định, chính sách lãi suất và sự cân bằng giữa tiếp cận và hiệu suất của tổ chức TCVM. Tóm lại, những phát hiện của tác giả đã nhấn mạnh vào sự cải tiến lớn trong lĩnh vực TCVM, tuy nhiên, TCVM vẫn chưa đạt được tiềm năng phát triển đầy đủ. Đồng thời, phác thảo những rủi ro tiềm năng và hạn chế dọc theo con đường phát triển và trưởng thành của TCVM, nhiều trong số đó vẫn đang chờ đợi để được kiểm tra nghiêm ngặt hơn về mặt học thuật. Tác giả cũng giới thiệu một mô hình kinh tế lượng minh họa về mối quan hệ giữa hiệu quả xã hội và tài chính.

Nghiên cứu của Wright, Graham (2000) về chủ đề “Designing Quality Financial Services for the Poor” [49] đã phác thảo các vấn đề trong lĩnh vực tài chính vi mô, bao gồm thảo luận sâu về: Tài chính vi mô đóng góp đối với việc giảm nghèo, nâng cao địa vị của phụ nữ, nâng cao vị thế khách hàng nghèo và cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục của những người nghèo trên thế giới; vai trò của tiết kiệm trong tài chính vi mô: đối với khách hàng, đối với các tổ chức có liên quan và cho các cơ quan quản lý; làm thế nào để mời gọi, phát triển và duy trì khách hàng chất lượng cao; và các vấn đề xung quanh nhân rộng mô hình và hệ thống tài chính vi mô thành công. Tiếp theo tác giả cung cấp hướng dẫn thực tế, với các ví dụ rõ ràng về cách thiết kế hệ thống tài chính vi mô để cung cấp các dịch vụ tài chính có chất lượng cho người nghèo. Tác giả mô tả lại chi tiết quá trình nghiên cứu, xây dựng để phát triển hai hệ thống tài chính vi mô rất khác nhau, một ở vùng đông dân cư tại nông thôn Bangladesh và một ở vùng núi xa xôi của Philippines. Tác giả cũng đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề và thách thức đối tài chính vi mô. Trong khi nói rõ sức mạnh của TCVM có thể giúp góp phần xóa đói giảm nghèo, tác giả cũng cung cấp một tour du lịch vô giá về các vấn đề, đề xuất, minh họa làm thế nào để đạt được hiệu quả thực hiện TCVM.

Tổng quan tình hình nghiên cứu về Quản lý tín dụng chính sách

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?