Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam năm 2014

quan hệ quốc tế

Mục lục

Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam năm 2014

Tính lũy kế đến 31/12/2014 đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam là 14,85 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn cho 92 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4,93 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) là 19,78 tỷ USD. Riêng trong năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn song tình hình đầu tư ra nước ngoài vẫn đạt kết quả khả quan.

Trong năm 2014 (tính đến ngày 31/12/2014), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 153 hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài, đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1,047 tỷ đô la Mỹ và điều chỉnh GCNĐT cho 22 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 739 triệu USD. Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt trên 1,786 tỷ USD.

Về số lượng: Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia với 23 dự án (chiếm 21% tổng số dự án), Myanmar với 16 dự án (14,7%); Lào với 13 dự án (12%); Hoa Kỳ với 12 dự án (11%) và Singapore với 9 dự án (8,2%).

Về quy mô vốn đầu tư cấp mới, lớn nhất là Tanzania (chỉ có 1 dự án chiếm 34% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam); thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,1% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ); thứ ba là Burundi (chỉ có 2 dự án chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam). Về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư tập trung và lĩnh vực thông tin truyền thông (54,3%), nông-lâm nghiệp và thủy sản (27,5%), khai khoáng (6%).

Một số dự án đầu tư ra nước ngoài lớn trên 50 triệu USD:

– Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania của Viettel (355,2 triệu USD);

– Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Burundi của Viettel (170 triệu USD);

– Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP An Đông Mia (80,4 triệu USD);

– Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD);

– Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Dầu Tiếng – Kratie (63,8 triệu USD);

– Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Tân Biên – Kampongthom (61,98 triệu USD).

– Đáng chú ý là Dự án thăm dò, khai thác dầu khí Lô PM304 tại Malaysia điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài thêm 465,32 triệu USD.

Bảy dự án trên đã có số vốn đăng ký 1,261 tỷ USD (trong tổng vốn đăng ký 1,786 tỷ USD), chiếm 70,6% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực viễn thông, nông – lâm nghiệp tập trung tại Lào, Campuchia và một số nước thuộc Châu Âu, Châu phi, phù hợp với các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt, đã có xu hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng.

Về tình hình thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, trong năm 2014, theo báo cáo chưa đầy đủ, ước vốn thực hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Theo số liệu thống kê hiện có, vốn thực hiện lũy kế đến năm 2014 đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm trên 30,6% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực dầu khí có số vốn thực hiện lớn nhất đạt khoảng 2,9 tỷ USD; lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên 660 triệu USD; lĩnh vực thủy điện đạt khoảng trên 500 triệu USD; lĩnh vực thông tin truyền thông đạt 450,6 triệu USD; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đạt trên 230 triệu USD…

Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện trong nước (không chuyển ra nước ngoài). Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản, Viettel… một phần vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện để trả cho các nhà thầu của Việt Nam hoặc mua háng hóa, dịch vụ của Việt Nam để chuyển ra nước ngoài thực hiện dự án.

Như vậy, có thể thấy, đầu tư ra nước ngoài trong năm 2014 vẫn duy trì tỷ lệ vốn đăng ký ổn định, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án tăng 10% tuy nhiên tổng vốn đăng ký giảm 10% do các dự án chủ yếu là quy mô nhỏ, tập trung về thương mại, dịch vụ. Số lượng dự án tập trung nhiều tại Campuchia và Myanmar. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, trồng cây công nghiệp, phù hợp định hướng của Chính phủ về khuyến khích và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

Các dự án còn lại phân bổ đa dạng tại nhiều quốc gia, khu vực như các nước ASEAN, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Úc, Châu Phi; đồng thời tập trung chủ yếu vào kinh doanh thương mại và dịch vụ trên cơ sở các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các dự án trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải, bất động sản, sản xuất chế biến… Điều này cho thấy tính đa dạng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, đồng thời cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh, nhanh chóng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Các mặt được của đầu tư ra nước ngoài trong năm 2014:

Tình hình chấp hành pháp luật đầu tư ra nước ngoài được cải thiện, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đã nâng cao ý thức thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài khi có dự án đầu tư tại nước ngoài cũng như tuân thủ các quy định liên quan trong quá trình triển khai dự án như quy định về việc chuyển ngoại tệ, lao động, máy móc, thiết bị ra nước ngoài, quy định về thông báo thực hiện dự án và báo cáo tình hình thực hiện dự án. Thời gian qua, nhiều dự án đã tự giác thực hiện các báo cáo theo quy định của Chính phủ mà không cần văn bản nhắc nhở hoặc chủ động tìm hiểu và thực hiện các quy định liên quan trong quá trình triển khai dự án đầu tư ra nước ngoài.

Trong tổng vốn đầu tư thực hiện, có một phần đáng kể vốn được thực hiện thông qua việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, máy móc, thiết bị, dịch vụ từ trong nước. Điều này góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài.

Thời gian qua, bên cạnh dòng vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Trong năm 2014, có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân. Trong đó, nhiều công ty đã có tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động của mình cũng bắt đầu đầu tư ra nước ngoài (FPT, BKAV, Tôn Hoa Sen, Kym Đan, chuyển phát Tín Thành…)

Để đạt được những kết quả nêu trên đầu tiên do thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước nhưng cũng đồng thời linh hoạt, đơn giản hóa đối với các dự án quy mô nhỏ, sử dụng vốn tư nhân.

Ngoài ra, việc tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp các thắc mắc của nhà đầu tư giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam trong việc chấp hành các quy định về triển khai dự án tại nước ngoài.

Công tác quản lý, giám sát dự án sau cấp phép được quan tâm, thúc đẩy, có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, đặc biệt có sự phối hợp với cơ quan quản lý của nước tiếp nhận đầu tư (đối với địa bàn Lào). Hoạt động này giúp chấn chỉnh hoạt động đầu tư tuân thủ đúng các quy định của pháp luật liên quan, phát hiện và cảnh bảo các nguy cơ gây ảnh hưởng đến dự án giúp hạn chế phát sinh vướng mắc, tổng hợp các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp để xem xét, hỗ trợ.

Công tác nghiên cứu xây dựng các đề án, chính sách, điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp/cá nhân đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt ở các thị trường, lĩnh vực phù hợp với định hướng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư Việt Nam.

Một số tồn tại hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài:

Bên cạnh những mặt được nêu trên vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong đầu tư ra nước ngoài năm 2014 như: một số dự án đầu tư vốn tư nhân không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn, một số dự án sử dụng vốn nhà nước chậm tiến độ do những biến động của môi trường đầu tư, thời điểm đầu tư, do kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả; một số dự án phát sinh các khó khăn nội tại trong việc huy động vốn đầu tư, thu xếp các nguồn lực để thực hiện dự án đầu tư; tình trạng không tuân thủ các quy định về báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư mặc dù đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn tồn tại ở nhiều dự án. Nhiều chủ đầu tư chưa nghiêm túc tuân thủ nghĩa vụ này, báo cáo qua loa, không đủ thông tin, số liệu, tài liệu đính kèm theo quy định hoặc không đúng định kỳ. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư sau khi được cấp phép xong thay đổi địa chỉ, điện thoại liên hệ khiến cơ quản quản lý không thể liên hệ được. Điều này dẫn đến việc cơ quản quản lý không thể nắm bắt và theo dõi tình hình hoạt động thực chất của dự án.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do sự khác biệt về thị trường, rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thủ tục pháp lý, biến động kinh tế, chính trị tại địa bàn đầu tư và việc không lường hết các rủi ro tiềm ẩn…tiếp tục là các rào cản khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước ngoài trong khi doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh tại thị trường khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở số liệu vốn đăng ký các năm qua và số lượng hồ sơ đang tiếp nhận và xử lý năm 2014, dự kiến số dự án cấp mới trong năm 2015 khoảng 150 dự án với tổng vốn đăng ký (gồm cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh) khoảng 1,5-2 tỷ USD.

Về vốn thực hiện, theo kết quả vốn thực hiện năm 2013 và dự kiến thực hiện năm 2014, dự kiến vốn thực hiện năm 2015 đạt khoảng 1-1,2 tỷ USD.

Các giải pháp để đạt được chỉ tiêu đã đề ra trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài :

– Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định dưới luật về đầu tư ra nước ngoài, mô hình quản lý đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn và hiệu quả, đồng thời đáp ứng được nhu cầu quản lý của nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới.

– Cải tiến thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, mở rộng hơn nữa diện các dự án thuộc diện đăng ký, giảm bớt sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính ngay cả đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

– Quy định đồng bộ các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài một cách cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.

– Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong đó quản lý chặt chẽ đối với dòng vốn đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước, bảo đảm việc sử dụng vốn nhà nước được công khai, minh bạch và hiệu quả. Các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành hoặc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành mới hoặc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, bảo đảm có đủ công cụ và phương tiện để quản lý, giám sát việc đầu tư có hiệu quả các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.

– Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, chú trọng địa bàn truyền thống, đồng thời có sự quan tâm đúng mức tới các địa bàn tiềm năng.

Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam năm 2014

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?