Phát triển nhân lực nữ sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội

Bản chất của hiệu quả kinh doanh

Mục lục

Phát triển nhân lực nữ sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội

Nghiên cứu của tổ chức tài chính như­ Ngân hàng Thế giới hay của tổ chức phát triển như­ UNDP trên phạm vi quốc tế hiện nay đều nhấn mạnh ý nghĩa của việc đầu t­ư cho nguồn nhân lực nữ và đảm bảo lợi ích của họ đối với tăng tr­ưởng kinh tế và phát triển nói chung. Đầu t­ư nâng cao khả năng của nguồn nhân lực nữ và tạo cho họ quyền lựa chọn các cơ hội không chỉ đem lại lợi ích cho phụ nữ mà còn là cách chắc chắn nhất để đóng góp vào sự tăng trư­ởng kinh tế và phát triển chung.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các n­ước có nhịp độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới đã đi đến kết luận “Tăng tr­ưởng kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào việc cải thiện giáo dục và sức khoẻ toàn dân. Những n­ước đã rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ trong việc học tập cũng chính là những n­ước đã đạt sự tăng tr­ưởng nhanh chóng và ổn định nhất trong vòng 50 năm qua” [66]. Và nghiên cứu này đã nhấn mạnh rằng: đầu t­ư vào sự phát triển của phụ nữ mang lại lợi ích cao hơn bất kỳ sự đầu tư­ nào khác ở các nư­ớc đang phát triển.

Phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ và công bằng giới đã được Liên Hợp Quốc đư­a ra bằng chỉ số GDI (Gender Development Index) bên cạnh chỉ số HDI khi đánh giá mức độ phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Điều đó có nghĩa là mô hình phát triển xã hội tốt đẹp hiện nay không chỉ là mô hình tăng tr­ưởng kinh tế mà là mô hình phát triển con ng­ười trong đó nhấn mạnh giới. Vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn nhân lực nữ không chỉ biểu hiện số lượng lớn trong dân cư­ và lực lư­ợng lao động xã hội, mà chất l­ượng của nó quyết định sự phát triển hiện tại và tương lai của một dân tộc, quốc gia.

Thực hiện phát triển nhân lực nữ không chỉ có ý nghĩa đối với phụ nữ mà còn mang ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển bền vững cuả xã hội. Thực tiễn của đời sống xã hội cho thấy đầu tư cho nguồn nhân lực nữ mang lại hiệu quả, lợi ích cao hơn bất kỳ sự đầu tư nào khác ở các nước đang phát triển. Hay nâng cao khả năng và tạo cơ hội lựa chọn cho phụ nữ không chỉ đem lại lợi ích cho họ mà còn là cách chắn chắn nhất để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển chung [58][59].

i) Ảnh hưởng của phát triển nguồn nhân lực nữ đến tăng trưởng kinh tế thông qua giáo dục đào tạo.

Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống, có mục đích đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người phù hợp với yêu cầu phát triển văn hoá- kinh tế của xã hội. Giáo dục quan hệ mật thiết tới quá trình phát triển kinh tế. Giáo dục như là nhân tố cơ bản để phát triển bền vững, để tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội. Nó là một thành phần của phúc lợi và là phương tiện để cá nhân nhận được kiến thức. Trình độ học vấn là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thay đổi vị thế của mỗi người trong xã hội.

Phụ nữ có trình độ học vấn cao thường sinh ít con hơn, vì họ kiểm soát tất cả các nhân tố như thu nhập gia đình, tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình. Kết quả nghiên cứu của WB về những ưu tiên cho giáo dục 1995 đã thừa nhận rằng, trình độ học vấn của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ giúp cho việc tiếp cận với những thông tin về dân số tốt hơn, từ đó góp phần thay đổi hành vi sinh đẻ của họ.

Khả năng sống  của con cái có quan hệ chặt chẽ với trình độ học vấn của người mẹ. Phụ nữ có trình độ cao hơn thường có kiến thức chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng, và thường có thu nhập cao hơn bởi vậy khả năng nuôi dưỡng con cái tốt hơn. Theo kết quả của WB, người mẹ có học vấn càng cao thì tỷ lệ người mẹ chết càng thấp và đứa trẻ ngày càng khoẻ mạnh. Trình độ học vấn của mẹ ảnh hưởng đến tỷ suất chết của trẻ em nhờ sử dụng các dịch vụ y tế và những thay đỏi trong vệ sinh phòng bệnh của gia đình. Những thay đổi này có thể là kết quả của những thay đổi nhận thức, quan niệm và do khả năng của những người có học có thể cung cấp dịch vụ y tế và dinh dưỡng tốt hơn cho con cái họ.

Trình độ học vấn của mẹ còn làm tăng khả năng tham gia các công việc xã hội của người phụ nữ, tăng sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình và thúc đẩy giảm sinh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng giáo dục con gái là cách đầu tư tốt nhất mà một nước có thể thu được phúc lợi kinh tế trong tương lai. Việc giáo dục con gái rất quan trọng để cải thiện dinh dưỡng trong gia đình và làm giảm tỷ lệ sinh đẻ và tỷ lệ trẻ tử vong. Những trẻ em có mẹ có học vấn được giáo dục sẽ có cơ hội đến trường nhiều hơn, có tính cách cá nhân, mối quan hệ tốt, hiểu biết tốt để nhận cơ hội được hưởng lương cao hơn và thành công hơn.

Việc nâng cao trình độ học vấn người mẹ mang lại lợi ích qua nhiều thế hệ, bởi vì trình độ học vấn và kỹ năng cao hơn cho phép mọi người ứng dụng và thu lợi từ công nghệ mới và phân bổ lại các nguồn lực để đối phó với những chu kỳ khủng hoảng kinh tế. Hạn chế việc đến trường của phụ nữ nghĩa là bỏ qua nhiều cơ hội để thế hệ sau có trình độ học vấn cao hơn và làm việc có hiệu quả hơn.

Học vấn thấp của nguồn nhân lực nữ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và thu nhập của chính bản thân họ và cả nền kinh tế [84][82][87]. Ngay ở vùng nông thôn, nơi việc làm hiếm hơn thì phát triển nguồn nhân lực nữ thông qua giáo dục hoặc trong tiếp cận các nguồn lực khác của sản xuất  cũng làm tăng năng suất [71]. Sản lượng cuả phụ nữ mà thấp hơn thường phản ánh mức đầu vào hoặc trình độ học vấn của họ thấp hơn nam. Ở Kenya, việc nâng cao trình độ học vấn hoặc mức đầu vào trang bị cho nữ nông dân so với của nam giới làm sản lượng có thể tăng thêm tới 22%. Hiệu ứng năng suất ngắn hạn của bất bình đẳng giới trong giáo dục cũng được bổ sung theo thời gian, thông qua tác động của áp dụng khoa học công nghệ. Trình độ giáo dục thấp hơn làm cho các nữ nông dân ít có khả năng hơn nam trong áp dụng công nghệ nâng cao năng suất.

Phát triển nguồn nhân lực nữ trong giáo dục làm tăng chất lượng nguồn nhân lực trung bình của xã hội. Theo Todaro (2006), ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, trẻ em gái được học hành ít hơn trẻ em trai. Trong những năm gần đây, 66 trong số 108 quốc gia được nghiên cứu có tỷ lệ trẻ em gái nhập học cấp tiểu học và trung học thấp hơn trẻ em nam ít nhất khoảng 10%. Nếu tính trung bình cho tất cả các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ phụ nữ biết chữ thấp hơn 29% so với nam giới, số năm đến trường trung bình thấp hơn 45% so với nam giới và tỷ lệ nhập học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của nữ thấp hơn tương ứng là 9%, 28% và 49% so với nam [88]. Nếu giả định rằng, trẻ em trai và gái có khả năng thiên bẩm như nhau và những đứa trẻ có khả năng hơn sẽ được học tập và đào tạo nhiều hơn, thì việc thiên vị trẻ em trai có nghĩa là những trẻ em trai có tiềm năng thấp hơn trẻ em gái lại được học hành nhiều hơn. Quan trọng hơn là điều đó làm khả năng thiên bẩm trung bình của những đứa trẻ được học hành sẽ thấp hơn so với những trường hợp cả trẻ em trai và trẻ em gái cùng có cơ hội học tập như nhau. Và vì thế, chất lượng nguồn nhân lực trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức có thể đạt được và kém hơn tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, nếu chúng ta giả định rằng, lao động nam và nữ trong một số ngành không thể là đầu vào thay thế hoàn hảo cho nhau tức là đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với nam giới đồng nghĩa với việc đầu tư nhiều hơn cho chất lượng đầu vào của ngành sử dụng nhiều lao động nam và ngược lại đối với ngành sử dụng nhiều lao động nữ. Theo quy luật năng suất cận biên giảm dần, hiệu quả của một đơn vị vốn đầu tư thêm cho giáo dục đối với ngành sử dụng nhiều lao động nam sẽ giảm dần và tổng hiệu quả trong nền kinh tế sẽ cao hơn, nếu chúng ta chuyển một phần kinh phí đầu tư đó sang cho việc đào tạo nữ lao động trong ngành sử dụng nhiều lao động nữ.

Phát triển nguồn nhân lực nữ trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai. Khi mức độ bất bình đẳng giới trong giáo dục giảm đi, tức là ở mỗi cấp đào tạo, tỷ lệ nữ so với nam tăng lên và khi trình độ và nhận thức của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, số lượng và chất lượng đầu tư cho giáo dục đối với con cái sẽ được cải thiện trực tiếp thông qua sự dạy dỗ của người mẹ cũng như khả năng thuyết phục hoặc quyền của người mẹ trong việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với con cái. Trong các gia đình có cùng mức thu nhập, số trẻ em chậm phát triển trong các gia đình với trình độ của người mẹ cao hơn đã giảm hơn hẳn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự gia tăng về thu nhập của gia đình không phải lúc nào cũng dẫn đến sự cải thiện sức khỏe và giáo dục cho các thành viên trong gia đình [88]. Tuy nhiên, trong dài hạn, các tác động này sẽ làm cho chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện và năng suất lao động trung bình của toàn xã hội sẽ được nâng lên.

Giáo dục nâng cao hiệu quả sản xuất vốn con người : những người mẹ có học vấn cao hơn có khả năng chỉ bảo con cái mình tốt hơn thông qua việc dạy dỗ ở nhà,  sử dụng nhiều tài liệu học tập hơn và là tấm gương cho chúng noi theo. Kết quả học tập của người mẹ là một chỉ số về khả năng bẩm sinh và khó nhận thấy ở họ. Những khả năng này có mối tương quan thuận chiều tới khả năng của con cái họ [83].

Lợi ích qua nhiều thế hệ là lý do có sức thuyết phục đối với việc nâng cao trình độ học vấn của người mẹ bởi trình độ học vấn và kỹ năng cao hơn cho phép mọi người ứng dụng và thu lãi từ công nghệ mới và phân bổ lại nguồn lực hợp lý hơn để đối phó với các chu kỳ và khủng hoảng kinh tế [75]. Hạn chế việc đến trường của phụ nữ đồng nghĩa với việc bỏ qua nhiều cơ hội để thế hệ sau có trình độ học vấn cao hơn và làm việc có hiệu quả hơn.

Phát triển nguồn nhân lực nữ trong giáo dục có ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế qua các ảnh hưởng về dân số.

Các mô hình kinh tế liên quan đến tỷ lệ sinh cho rằng, khi phụ nữ có trình độ hơn, chi phí cơ hội thời gian của họ sẽ tăng lên. Đồng thời họ cũng có khả năng thương thuyết trong gia đình hơn. Hai yếu tố này đều góp phần làm giảm tỷ lệ sinh [70][86]. Tỷ lệ sinh giảm tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ sinh thấp hơn làm giảm gánh nặng nuôi con và tăng tỷ lệ tiết kiệm, tỷ lệ tiết kiệm cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ sinh thấp hơn đồng nghĩa với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên. Và nếu tất cả các lao động gia tăng đều có việc làm thì thu nhập tính trên đầu người tăng lên, cho dù năng suất lao động và lương không tăng. Điều đó có thể đạt được là do số người ăn theo đã giảm. Tác động này góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á trong nhiều năm.

ii) Ảnh hưởng của phát triển nguồn nhân lực nữ đến hiệu quả kinh tế thông qua chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng.

Phát triển nguồn nhân lực nữ về thể lực với việc thay đổi về mức chết dẫn đến dân số sống thọ hơn và khỏe hơn. Tuổi thọ cao hơn sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách sống của người dân. Thái độ đối với giáo dục, gia đình, nghỉ hưu, vai trò của phụ nữ và việc làm đều có xu hướng thay đổi. Một xã hội sẽ thay đổi gốc rễ ăn sâu trong văn hóa, vì người dân của xã hội đó sẽ trở thành tài sản vô giá hơn.

Vì tuổi thọ tăng lên, cha mẹ có thể lựa chọn cho con đi học đến mức cao nhất và chất lượng tốt nhất có thể. Ngược lại, trong cùng năm học, con cái khỏe mạnh sẽ phát triển tốt hơn những đứa con ốm yếu. Cha mẹ cũng hiểu rằng nếu có cơ hội học hành tốt thì con cái họ sẽ có nhiều lợi thế hơn trong suốt cuộc đời làm việc và nếu họ có ít con hơn thì có thể đầu tư thời gian và tiền của nhiều hơn cho mỗi đứa con. Kết quả của đầu tư cho giáo dục là lực lượng lao động nói chung sẽ có năng suất cao hơn, lương cao hơn và có mức sống tốt hơn.

Phụ nữ cũng sẽ tham gia lực lao động nhiều hơn, vì qui mô gia đình ngày một giảm. Phụ nữ đi làm và có lương sẽ tạo cho họ vị thế độc lập hơn.  Tác động này tăng thêm khi thực tế là bản thân phụ nữ được lớn lên trong gia đình quy mô nhỏ và có thể được đào tạo bài bản hơn. Chính những yếu tố đó làm tăng năng suất lao động của phụ nữ trong thị trường lao động, thúc đẩy những tiến bộ hướng đến một nguồn lao động đông hơn và quy mô gia đình nhỏ hơn.

Vì vậy, phụ nữ và nam giới có xu hướng tham gia vào lực lượng lao động muộn hơn, một phần vì họ tham gia quá trình đào tạo dài hơn, nhưng họ sẽ có năng suất lao động cao hơn khi bắt đầu làm việc. Tất cả những cơ chế này phụ thuộc chính vào môi trường chính sách. Số lượng người trưởng thành tăng lên sẽ lao động với năng suất cao hơn trong điều kiện thị trường lao động linh hoạt, cho phép mở rộng thị trường, chính sách kinh tế vĩ mô khuyến khích đầu tư. Tương tự, người dân sẽ tiết kiệm với điều kiện họ tiếp cận được cơ chế tiết kiệm phù hợp và tin tưởng vào thị trường tài chính trong nước.

Bất bình đẳng giới được thể hiện thông qua sự tiếp cận hạn chế của phụ nữ đối với các nguồn tín dụng, hoặc hạn chế quyền sử dụng các tài sản thế chấp để vay vốn hoặc không có quyền quyết định việc phân bổ đầu vào trong các hoạt động sản xuất. Do đó, các đầu vào được tập trung hầu hết cho các hoạt động sản xuất của nam giới.

Theo quy luật, năng suất cận biên của các đầu vào giảm dần, tổng sản lượng sẽ tăng lên khi tổng đầu vào được phân chia đều hơn cho cả các hoạt động sản xuất của cả nam và nữ.

iii) Ảnh hưởng của phát triển nguồn nhân lực nữ đến công tác quản lý nhà nước:

Khi phụ nữ có nhiều quyền hạn hơn và tham gia bình đẳng hơn vào đời sống cộng đồng, sẽ giúp chính phủ trong sạch hơn, và việc quản lý nhà nước thuận lợi hơn. Ở những nước người phụ nữ tham gia đời sống cộng đồng cao hơn thì mức độ tham nhũng giảm bớt. Phụ nữ trong kinh doanh ít có xu hướng hối lộ quan chức nhà nước hơn, có thể vì họ có chuẩn mực cao hơn về hành vi đạo đức hoặc họ là những người ghét rủi ro hơn. Một nghiên cứu đối 350 doanh nghiệp ở Cộng hoà Georgia cho thấy, những doanh nghiệp do nam sở hữu hoặc quản lý thường có tỉ lệ trả những khoản thù lao không chính thức cho quan chức nhà nước cao hơn 10% so với doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu hoặc quản lý [67, tr13].

Các phân tích trên cho thấy, không phát triển nguồn lực nữ trong giáo dục; hạn chế quyền quyết định đối với các hoạt động kinh tế, hoặc hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực đầu vào của quá trình sản xuất đối với phụ nữ đều hạn chế tăng trưởng kinh tế. Điều đó càng khẳng định, phát triển nguồn lực nữ không chỉ đơn thuần là mục tiêu phát triển mang tính chuẩn tắc, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Phát triển nhân lực nữ sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?