Khái niệm bí mật kinh doanh

Khái niệm bí mật kinh doanh

Thuật ngữ “bí mật kinh doanh” (còn gọi là “bí mật thương mại” hay “bí mật sản xuất hoặc thương mại”) là một thuật ngữ không xa lạ đối với người kinh doanh.

bí mật kinh doanh

Hoạt động kinh doanh và thương mại cũng nh­ các hoạt động xã hội khác, nếu muốn thành thạo, muốn đạt hiệu quả tối ưu thì con người cần phải có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động. Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của con người thường được hình thành dần dần và được tích luỹ từ đời này sang đời khác. Quyền tư hữu đối với sản phẩm lao động do mình tạo ra đã dẫn đến việc con người thường chỉ truyền lại kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho con cháu mình hoặc những người thân thuộc với mình. Trong kinh doanh, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng đó người ta gọi là là bí quyết hoặc know – how. Mặt khác, nhằm đạt lợi nhuận tối đa trong kinh doanh, thương mại con người cũng luôn phải tìm tòi, sáng tạo ra những cách thức, những phương pháp sản xuất hoặc kinh doanh mới hoặc tạo ra các thông tin có Ích khác. Vì lợi Ích của mình những cách thức, phương pháp này cũng được các thương nhân giữ bí mật để sử dụng riêng. Đó là cội nguồn của bí mật kinh doanh.

Trên thực tế kinh doanh hiện nay, các thương nhân có thể coi nhiều loại thông tin khác nhau là bí mật kinh doanh [7]:

Đó có thể là các thông tin khoa học như: Hướng nghiên cứu phát triển khoa học của doanh nghiệp; các kết quả nghiên cứu khoa học ; các báo cáo phúc trình về hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của doanh nghiệp…

Đó cũng có thể là thông tin công nghệ, kỹ thuật như: các công thức hoặc thành phần phối liệu, tỷ lệ hàm lượng vật liệu; các phương pháp, quy trình sản xuất; cấu trúc của sản phẩm; mã nguồn và các chương trình máy tính; tài liệu thiết kế, thông số kỹ thuật, sơ đồ kiến trúc…

Đó cũng có thể là các thông tin thương mại, như: danh sách các nhà cung cấp, danh sách khách hàng; nhu cầu, ước muốn, thái độ, cơ cấu tiêu dùng của khách hàng; đặc điểm của khách hàng thân thiết; phương án cung ứng, lưu trữ chăm sóc khách hàng; kế hoạch, chiến lược kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo; ý tưởng kinh doanh; kết quả nghiên cứu, khảo sát thị trường…

Đó cũng có thể là các thông tin tài chính: cấu trúc giá thành, phương án đầu tư, chính sách hoa hồng, chi phí…

Ngoài ra, các bí mật về sơ suất hay thất bại của doanh nghiệp cũng được coi là bí mật kinh doanh: nguyên nhân thất bại trong giải pháp khắc phục kỹ thuật, nguyên nhân thất bại trong sản xuất một sản phẩm mới, kinh nghiệm sai sót trong marketing, các khiếu nại, tranh chấp được xử lý kín…

Mặc dù rất đa dạng về loại hình nhưng các thông tin mà các nhà kinh doanh coi là bí mật kinh doanh đều có các đặc điểm sau:

a) Đặc điểm về tính thông tin của bí mật kinh doanh

Tính thông tin của bí mật kinh doanh thể hiện ở chỗ bí mật kinh doanh phải mang đến cho những người có khả năng tiếp cận nó những nhận thức, những hiểu biết nhất định về một sự vật, một hiện tượng nào đó trong thế giới khách quan. Thông tin là bí mật kinh doanh có thể tồn tại hoặc được thể hiện dưới những dạng vật chất hữu hình, cụ thể như tài liệu, sách vở chứa đựng thông tin, mô hình, mẫu vật… nhưng bí mật kinh doanh không đồng nhất với những vật chất đó. Bí mật kinh doanh, một mặt, là kết quả của hoạt động nhận thức, trí tuệ của con người được thể hiện, tái tạo lại thông qua các vật chất hữu hình nói trên, mặt khác, con người muốn biết, muốn nhận thức được bí mật kinh doanh thì phải thông qua hoạt động nhận thức của trí tuệ. Chính vì vậy, bí mật kinh doanh là một loại tài sản trí tuệ của người kinh doanh.

b) Đặc điểm về tính bí mật của thông tin

Đây là đặc điểm cơ bản nhất và có tính chất quyết định của bí mật kinh doanh. Nếu một loại thông tin mà không có tính bí mật thì không thể được xem là bí mật kinh doanh được cho dù nó có thể có chức năng thông tin, có thể có giá trị đối với hoạt động kinh doanh.

Thông tin có tính chất bí mật nghĩa là phạm vi những người biết đến thông tin rất hạn chế. Mặt khác, những người quan tâm đến thông tin cũng không thể dễ dàng lấy thông tin ở những nguồn thông tin công cộng.

Khi nói đến đặc điểm này của bí mật kinh doanh, có học giả cho rằng: “Đặc điểm chủ yếu nhất của bí mật thương mại là phải thực sự bí mật. Những thông tin được truyền đạt trong khu vực công cộng hoặc những khái niệm cơ bản trong một ngành công nghiệp không thể là bí mật của một cá nhân. Thông tin mà hoàn toàn được bộc lộ từ hàng hoá được bán trên thị trường cũng không thể là bí mật của nhà sản xuất hàng hoá đó.” [14]

Tuy nhiên, tính bí mật không có nghĩa là phải hoàn toàn bí mật. Bí mật kinh doanh cũng có thể được biết bởi các nhân viên, người lao động trong công ty, những người có liên quan đến việc sử dụng thông tin hoặc những người khác có cam kết bảo mật. Về điểm này, The fist Restatement of Unfair kết luận: “Một vài yếu tố cần thiết của sự bí mật phải tồn tại nhằm loại trừ việc sử dụng bất hợp pháp hoặc tạo ra sự khó khăn trong việc thu thập, chiếm đoạt thông tin.”

c) Đặc điểm về tính giá trị của thông tin..

Thông tin bí mật được người kinh doanh coi là bí mật kinh doanh phải là thông tin có giá trị. [4] Đặc điểm này xuất phát từ bản chất của hoạt động kinh doanh. Trong quá trình hoạt động của mình, các chủ thể kinh doanh phải thu thập, lưu giữ rất nhiều loại thông tin nhằm đưa ra các quyết định kinh doanh có hiệu quả, mang lại nhiều lợi nhuận. Trong vô số các thông tin mà các chủ thể kinh doanh thu thập được, họ chỉ giữ lại những thông tin có giá trị.

Tính giá trị cuả thông tin thể hiện trên nhiều khía cạnh. Giá trị của thông tin có thể thể hiện ở khoản tiền, vốn mà người có được thông tin đã đầu tư để tạo ra hoặc có được thông tin đó. Giá trị của thông tin cũng có thể thể hiện ở mức độ đầu tư thời gian, công sức để tạo ra hoặc thu thập thông tin. Giá trị của thông tin cũng có thể thể hiện ở những khoản lợi mà chủ sở hữu thu được khi biết và sử dụng thông tin. Đôi khi, giá trị của thông tin là bí mật kinh doanh còn thể hiện ở sự mất mát, thiệt hại mà chủ sở hữu phải gánh chịu hoặc khoản lợi mà người không phải là chủ sở hữu được hưởng nếu thông tin đó bị tiết lộ, bị người khác biết hoặc sử dụng.

d) Đặc điểm về khả năng sử dụng của thông tin

Thông tin là bí mật kinh doanh phải là thông tin có khả năng được sử dụng bởi chủ sở hữu hoặc người khác. Một thông tin được thu thập, lưu giữ nhưng không có khả năng được sử dụng bởi chính chủ sở hữu hoặc người khác thì không được coi là bí mật kinh doanh và cũng không được chủ sở hữu giữ bí mật.

Như vậy, trên thực tế, bí mật kinh doanh là loại thông tin có tính chất bí mật, có giá trị và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Ở nước ta, sự bảo hộ chính thức của pháp luật đối với bí mật kinh doanh bắt đầu từ năm 2000, trong Nghị Định 54/2000/NĐ – CP. Tại Nghị định này ghi nhận “bí mật kinh doanh là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin” và phải thoả mãn các điều kiện mà pháp luật qui định. Với cách quy định này thì thực chất pháp luật chưa đưa ra được khái niệm của bí mật kinh doanh mà chỉ mới đề cập đến các điều kiện để một thông tin được bảo hộ như là một bí mật kinh doanh.

Luật SHTT ra đời đánh dấu một sự phát triển mới trong khoa học pháp lý về bí mật kinh doanh ở Việt Nam. Luật SHTT đã đưa ra khái niệm đầu tiên về bí mật kinh doanh. Theo khoản 23 – Điều 5 – Luật SHTT thì : “bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư, tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”.

Khái niệm bí mật kinh doanh nói trên đã phản ánh được những đặc điểm mang tính bản chất của bí mật kinh doanh nh­ tính thông tin, tính bí mật và khả năng được sử dông .

Trên thực tế, ngoài ba đặc điểm này, bí mật kinh doanh còn mang tính giá trị. Khi tìm hiểu khái niệm “bí mật thương mại” (trade secret) trong pháp luật của Mỹ, tính giá trị cũng được thể hiện. Chẳng hạn, theo khái niệm được quy định tại Điều 39 – The Restatement of Unfair Competition (Third) của Mỹ thì “bí mật thương mại là bất kỳ thông tin nào có thể được sử dụng trong hoạt động kinh doanh của một chủ thể, có giá trị và có tính bí mật đủ để tạo ra một sự thuận lợi trong kinh doanh cho chủ thể đó so với các chủ thể khác”. Hoặc theo điều 10 – Quy định số 240/96 ngày 31/01/1996 của Pháp thì “thông tin bí mật được bảo hộ là tổng thể những thông tin mang tính chất kỹ thuật, công nghiệp hoặc thương mại có tính chất bí mật, hữu Ích và người nắm giữ thông tin đó phải bảo mật bằng các biện pháp cần thiết, phù hợp”. [1,tr 78] .Trong Hiệp định TRIPs, tính giá trị của thông tin cũng được ghi nhận.

Có người lập luận rằng tính giá trị của thông tin được bao hàm trong khả năng sử dụng trong kinh doanh của thông tin. Tuy nhiên, theo tác giả, khả năng được sử dụng trong kinh doanh của thông tin không thể bao hàm tính giá trị của thông tin được. Giá trị của thông tin thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Đôi khi, vì giá trị của thông tin mà thông tin được sử dụng không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn trong các hoạt động khác.

Như vậy, khái niệm bí mật kinh doanh trong Luật SHTT hiện hành chưa thể hiện được tính giá trị bí mật kinh doanh. Đây là điểm hạn chế của khái niệm bí mật kinh doanh trong pháp luật Việt Nam.

Khái niệm bí mật kinh doanh

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?