Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Khái niệm chính sách tiền tệ

Mục lục

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Hệ thống kế toán quốc gia Việt Nam là sự kết hợp đan xen có trật tự giữa Luật Kế toán, hệ thống chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán doanh nghiệp và các qui định khác về kế toán. Hệ thống này tạo sự phức hợp trong các qui định, nguyên tắc, phương pháp cũng như những nội dung kế toán.

Tổ chức lập qui của Việt Nam do Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm trong việc ban hành chuẩn mực kế toán. Điều này đồng hành trong suốt quá trình hình thành và phát triển của kế toán Việt Nam. Theo đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý và kế toán được xem là công cụ kiểm soát hữu hiệu hoạt động kinh tế quốc gia.

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng theo các nguyên tắc (Bộ Tài chính, 2000a):

– Dựa trên cơ sở các chuẩn mực kế toán do IASC công bố.

– Phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam, phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam.

– Chuẩn mực kế toán Việt Nam phải đơn giản, rõ ràng và tuân thủ các qui định về thể thức ban hành văn bản pháp luật Việt Nam. Bố cục chuẩn mực, mỗi chuẩn mực kế toán bao gồm 2 phần là qui định chung và nội dung chuẩn mực, (Bộ Tài chính, 2000b), cụ thể:

– Phần qui định chung gồm: mục đích, nội dung cơ bản, phạm vi áp dụng và các thuật ngữ sử dụng trong chuẩn mực.

– Phần nội dung: mỗi nội dung được thành lập đoạn riêng và ghi số liên tục.

Phần dưới đây trình bày tóm tắt hệ thống chuẩn mực kế toán hiểu theo nghĩa rộng bao gồm: phần cơ chế với các quy định pháp lý liên quan, tổ chức lập quy và quy trình soạn thảo, ban hành chuẩn mực và phần nội dung là bản thân các chuẩn mực và các hướng dẫn, giải thích chuẩn mực.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Hoàn cảnh ra đời hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam[/message]

1. Cơ chế

(1) Qui định pháp lý

Luật Kế toán là văn bản pháp lý cao nhất là kim chỉ nam cho mọi công tác kế toán của quốc gia do Quốc hội ban hành. Theo đó, kế toán được xem là công cụ quản lý, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế, tài chính đáp ứng yêu cầu tổ chức, quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Điều đó cũng đồng nghĩa các chuẩn mực kế toán quốc gia, các thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp đều phải dựa trên nền tảng các qui định của Luật Kế toán.

Luật Kế toán (2003) được qui định 7 chương với 64 điều bao gồm những qui định chung, nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động nghề nghiệp kế toán, quản lý nhà nước về kế toán, khen thưởng, xử lý vi phạm và các điều khoản thi hành (Quốc hội, 2003).

Trong xu hướng Việt Nam hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế, phù hợp với các cam kết của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) cũng như định hướng chiến lược phát triển kế toán đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có dự thảo Luật kế toán sửa đổi, bổ sung. Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật kế toán 2003 gồm 14 vấn đề liên quan đến đối tượng áp dụng, nguyên tắc kế toán, chuẩn mực kế toán… (Bùi Văn Mai, 2013a).

(2) Tổ chức lập qui

Tổ chức lập qui của Việt Nam do Bộ Tài chính là cơ quan của Nhà nước có trách nhiệm trong việc ban hành chuẩn mực kế toán. Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán là đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ. Nhiệm vụ của Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính, 2009), gồm:

– Xây dựng chiến lược, kế hoạch, biện pháp hoàn thiện, đổi mới hệ thống pháp luật về kế toán và kiểm toán, các dự án, dự thảo văn bản pháp luật về kế toán và kiểm toán.

– Hướng dẫn thực hiện nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ về kế toán và kiểm toán.

– Tham gia xây dựng chiến lược chính sách tài chính và nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, thuế có liên quan đến kế toán và kiểm toán.

– Hướng dẫn Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực kế toán và kiểm toán theo quy định của pháp luật, quản lý, giám sát hoạt động của Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam.

– Tổ chức hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế thuộc lĩnh vực kế toán kiểm toán, tham gia đàm phán về các hoạt động hành nghề trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, cơ quan này có chức năng tư vấn về chiến lược, chính sách phát triển và các vấn đề có liên quan đến kế toán và kiểm toán. Theo một công bố của Bộ Tài chính, vào năm 2001, toàn bộ nhân sự của Vụ này là 25 người (Bộ Tài chính, 2001).

(3) Qui trình soạn thảo và ban hành

Qui trình soạn thảo chuẩn mực kế toán theo quy định của Bộ Tài chính, về cơ bản bao gồm các bước (Bộ Tài chính, 2000b):

– Bước 1: Xây dựng nguyên tắc chung về phạm vi, đối tượng áp dụng, cơ sở và nguyên tắc soạn thảo hệ thống chuẩn mực, danh mục hệ thống chuẩn mực và sắp xếp, phân loại các chuẩn mực.

– Bước 2: Dự thảo từng chuẩn mực, thảo luận nhóm và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan, thành viên Ban chỉ đạo soạn thảo chuẩn mực và Hội đồng Kế toán quốc gia.

– Bước 3: Sau khi có ý kiến tham gia của Hội đồng Kế toán quốc gia, hoàn thiện trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, công bố.

2. Các chuẩn mực kế toán đã được ban hành

Như đã trình bày phần trên, chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành lần đầu vào năm 2001 và đến nay đã ban hành được 26 chuẩn mực kế toán [Phụ lục 12]. Việt Nam không có chuẩn mực kế toán riêng cho DNNVV. Các doanh nghiệp này có thể áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC. Hệ thống này được ban hành trên nền tảng hệ thống tài khoản và báo cáo tài chính giản lược hơn. Khi doanh nghiệp chọn hệ thống này, một số chuẩn mực kế toán Việt Nam được phép loại trừ toàn bộ hay từng phần.

Một điểm đáng chú ý khác là hệ thống kế toán ngân hàng tương đối độc lập với hệ thống kế toán doanh nghiệp. Với sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chế độ kế toán ngân hàng. Các ngân hàng cổ phần niêm yết phải tuân thủ song song hai hệ thống, một là của Ngân hàng Nhà nước và một là của Bộ Tài chính. Ví dụ, báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu được lập theo các biểu mẫu do Ngân hàng Nhà nước quy định và khi đưa ý kiến về báo cáo tài chính của ngân hàng này, công ty kiểm toán

PricewaterhouseCoopers viết:

“Theo ý kiến chúng tôi, xét trên các khía cạnh trọng yếu, các báo cáo tài chính phản ảnh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của Ngân hàng tại ngày 31 tháng 12 năm 2011 cũng như kết quả kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ của Ngân hàng trong năm tài chính kết thúc tại ngày nêu trên phù hợp với các Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Hệ thống kế toán Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan áp dụng cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác hoạt động tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” (Ngân hàng Á châu, 2011).

Nhìn chung, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam bao gồm cả thể chế và nội dung, bao gồm những điểm nổi bật sau:

– Việc soạn thảo và ban hành chuẩn mực thuộc về Bộ Tài chính, các tổ chức khác chỉ giữ vai trò tư vấn. Việt Nam chưa có hội đồng đa lĩnh vực ban hành chuẩn mực theo cơ chế bỏ phiếu.

– Lực lượng kỹ thuật (Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán) khá mỏng so với nhiệm vụ được giao bao gồm cả các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và các quy định liên quan.

– Tính đến năm 2005 (năm cuối cùng ban hành chuẩn mực Việt Nam), số chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành là 26 so với số chuẩn mực quốc tế cùng thời điểm là 37 chuẩn mực và 1 Khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế. Trong hơn 6 năm qua (2006 – 2012), IASB đã ban hành thêm 6 chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, ban hành lại 6 chuẩn mực kế toán quốc tế và một Khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế. Việt Nam chỉ ban hành một hướng dẫn áp dụng chuẩn mực quốc tế về công cụ tài chính và quá trình khởi động lại việc biên soạn chuẩn mực mới được thực hiện gần đây với 8 chuẩn mực dự thảo đầu tiên, cập nhật các thay đổi của chuẩn mực quốc tế.

– Việt Nam chưa ban hành chuẩn mực kế toán riêng cho doanh DNNVV theo mô hình của IASB.

– Hệ thống kế toán ngân hàng hiện do Ngân hàng Nhà nước ban hành và tương đối độc lập với Bộ Tài chính.

https://ketoansongkim.vn/

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

One thought on “Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

  1. Pingback: Các tồn tại của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam | luanantiensiaz

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?