Đánh giá thực trạng quản lý rủi ro của các công ty cổ phần chứng khoán ở Việt Nam

Các nhân tố tác động đến phát triển hoạt động bancassurance của công ty bảo hiểm

Mục lục

Đánh giá thực trạng quản lý rủi ro của các công ty cổ phần chứng khoán ở Việt Nam

1. Những mặt đạt được trong quản lý rủi ro của các công ty cổ phần chứng khoán ở Việt Nam

Với những phân tích nêu trên có thể khẳng định các CTCK Việt Nam hiện đã nhận thức khá rõ vai trò cũng như sự cần thiết của công tác quản lý rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh trên TTCK. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, nhiều công ty đã chuyển từ vị thế bị động sang chủ động trong việc nhận diện, đo lường, đánh giá và xử lý rủi ro. Nhiều công ty đã xem rủi ro không chỉ là nguy cơ gây thua lỗ mà rủi ro cũng đồng nghĩa với những cơ hội gia tăng giá trị công ty trong tương lai. Từ việc thay đổi nhận thức, hoạt động quản lý rủi ro của các công ty cổ phần chứng khoán đã có những bước tiến đáng kể:

Thứ nhất, các CTCK đã từng bước xây dựng và áp dụng khung quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh một cách hệ thống và toàn diện. Quy trình quản lý rủi ro được xây dựng kết hợp với việc thay đổi cơ cấu tổ chức bộ phận quản lý rủi ro, áp dụng các phần mềm lượng hóa rủi ro tạo nên bước thay đổi căn bản, chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện quản lý rủi ro tại nhiều công ty. Các công cụ quản lý rủi ro như báo cáo rủi ro, ma trận rủi ro cũng bắt đầu được nghiên cứu thực hiện ở một số CTCK có quy mô lớn.

Thứ hai, sự độc lập của bộ phận quản lý rủi ro được đề cập và trở thành yêu cầu mang tính bắt buộc không chỉ ở các văn bản pháp lý của UBCK mà ở cả các quy định của công ty. Phòng quản lý rủi ro không đặt chung với các phòng ban chức năng khác, các nhân viên không thực hiện kiêm nhiệm nghiệp vụ quản lý rủi ro với các nghiệp vụ hoạt động khác.

Thứ ba, bộ phận kiểm soát nội bộ đã bắt đầu thực hiện đúng vị trí và chức năng của mình trong việc thanh tra, giám sát các hoạt động hàng ngày của CTCK, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót trong hoạt động hàng ngày của CTCK.

Thứ tư, các CTCK ngày càng ý thức và tuân thủ chặt chẽ hơn tỷ lệ an toàn vốn khả dụng nhằm đáp ứng quy định của thông tư 226 về an toàn tài chính và cũng là an toàn cho chính công ty và hệ thống tài chính.

Thứ năm, năng lực tài chính của CTCK ngày một nâng cao, đáp ứng tương đối tốt nhu cầu hoạt động kinh doanh hiện tại và quy định về quản lý vốn của UBCKNN.

Thứ sáu, QLRR trở thành vấn đề được quan tâm hàng của UBCK trong quá trình tái cấu trúc CTCK ở Việt Nam. Tháng 12/2012 UBCKNN và SGDCKHN đã ký biên bản hợp tác với Tập đoàn Pricewaterhouse Việt Nam (PwC) về xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho các công ty chứng khoán. Các hoạt động chi tiết trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật này bao gồm: xác định và xây dựng các chỉ số rủi ro chính; Phân loại rủi ro của từng chỉ số và của tập hợp chỉ số; Xây dựng mẫu biểu thu thập thông tin và phân tích thông tin; Xây dựng các mẫu biểu báo cáo; Hỗ trợ xây dựng Quy chế cảnh báo sớm và triển khai thí điểm Quy chế này, có báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm; Chương trình đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ UBCKNN. Khi đưa vào vận hành Hệ thống cảnh báo sớm, UBCK sẽ có tổng cộng 3 công cụ cảnh báo, giám sát và xử lý rủi ro, nhất là về an toàn tài chính tại CTCK. Nếu như hệ thống cảnh báo sớm là công cụ phòng ngừa từ xa để kịp thời phát hiện rủi ro, thì Quyết định 105/2013/QĐ-UBCK hướng dẫn về thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK được coi là cảnh báo tại chỗ, buộc CTCK thiết lập hệ thống quản trị rủi ro để xử lý hiệu quả rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, Thông tư 165 cho phép UBCK áp dụng các biện pháp mạnh tay trong xử lý các CTCK mất an toàn tài chính. Trong đó, UBCKNN có thể buộc CTCK giải thể nếu không khắc phục được tình trạng mất an toàn tài chính.

Những kết quả, thành tựu trên xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển của thị trường chứng khoán trong một số giai đoạn là rất “nóng” từ đó tạo cơ hội cho các nhà quản lý cọ sát thực tiễn và có thời gian nhìn nhận lại những thất bại để thấy được vai trò của công tác quản lý rủi ro. Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam với khu vực và thế giới ngày một mạnh mẽ tạo nên những cơ sở mới, động lực mới cũng như những yêu cầu mới cho quá trình phát triển của TTCK Việt nam trong đó có quá trình hội nhập quốc tế của TTCK Việt nam và các công ty chứng khoán trên thị trường.

2. Những mặt hạn chế trong quản lý rủi ro của các công ty cổ phần chứng khoán ở Việt Nam

Thứ nhất, văn hóa quản trị rủi ro vẫn chưa được thấm nhuần trong hoạt động kinh doanh của CTCK. Nhiều các công ty vẫn coi quản lý rủi ro làm phát sinh các chi phí nhiều hơn mang lại lợi nhuận. Do đó, nghiệp vụ quản lý rủi ro chưa được quan tâm, đầu tư và chú trọng phát triển. Trên thực tế việc thực hiện quản lý rủi ro chỉ với tư tưởng có để không vi phạm các quy định của UBCKNN về vấn đề quản lý rủi ro. Với tư tưởng bị động như vậy nên việc quản lý rủi ro càng không hiệu quả và tốn kém chi phí. Chỉ gần 30% các công ty trong mẫu khảo sát xem quản lý rủi ro như một chiến lược kinh doanh, phần còn lại thực hiện quản lý rủi ro do yêu cầu bắt buộc từ phía các cơ quan quản lý.

Thứ hai, gần như các CTCK chưa có sự tách biệt chuyên môn hóa về các loại rủi ro để thực hiện quản lý rủi ro. Mọi rủi ro đều do cả phòng phụ trách. Như vậy hiệu quả công việc của phòng quản lý rủi ro sẽ không cao và không quy rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân hoặc bộ phận khi rủi ro xuất hiện mà công ty không được phòng bị. Đặc biệt, nhiều CTCK đang hoạt động mà thiếu hẳn bộ phận quản lý rủi ro tín dụng. Nếu xét về đặc điểm kinh doanh giữa CTCK và các NHTM thì hiện nay các CTCK đang triển khai cung cấp các dịch vụ margin (cho vay kinh doanh chứng khoán) không khác gì với nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, song lại không có bộ phận thẩm định tín dụng hay quản lý rủi ro tín dụng. Điều này rất nguy hiểm vì rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các NHTM, đòi hỏi các ngân hàng phải có khả năng phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro hiệu quả vì nếu ngân hàng chấp nhận nhiều khoản cho vay có rủi ro tín dụng cao thì ngân hàng có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn hay tính thanh khoản thấp. Kết quả có thể làm giảm hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí phá sản. Vì thế bộ phận quản lý tín dụng và quản trị rủi ro là hai bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của bất kỳ ngân hàng thương mại nào. Đối chiếu với các nghiệp vụ của CTCK thì dường như QLRR tín dụng đang bị bỏ ngỏ.

Thứ ba, các công ty chứng khoán chưa xây dựng được các mô hình tổ chức hợp lý cho phòng quản lý rủi ro. Đồng thời các bước trong quy trình phát hiện, giám sát và xử lý rủi ro cũng không được quy định rõ ràng và thống nhất. Để việc quản lý rủi ro có hiệu quả, thông thường, phải thực hiện việc quản lý rủi ro theo một quy trình nhất định của từng công ty. Tuy nhiên hiện nay các CTCK chưa có một quy trình cụ thể nào hoặc quy trình của các CTCK thiếu một số bước. Chính việc thiếu hoặc không có quy trình dẫn đến việc QLRR không có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, phòng quản lý rủi ro của các CTCK ở Việt Nam hiện nay chưa có mô hình tổ chức hợp lý, số lượng nhân viên trong phòng vừa ít vừa phải kiêm nhiệm nhiều vị trí trong công ty và chưa có chức trách cụ thể  dẫn đến chưa có sự chuyên môn hóa về các rủi ro nên việc quản lý rủi ro gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa do chưa có mô hình cũng như các quy định rõ ràng trong việc quản lý rủi ro nên giữa các bộ phận trong CTCK chưa có sự giúp đỡ và hợp tác trong vấn đề quản lý rủi ro, làm cho việc quản lý rủi ro gặp nhiều khó khăn hơn.

Thứ tư, không có sự liên kết giúp đỡ giữa các phòng ban trong công ty chứng khoán về quản lý rủi ro. Trên thực tế, việc quản lý rủi ro có hiệu quả ngoài sự tham gia của phòng quản lí rủi ro cần có sự giúp đỡ của các phòng ban khác như ban giám sát, phòng kinh doanh, phòng kế toàn kiểm toán, phòng phân tích… Khi việc phối hợp giữa các phòng ban không tốt khiến cho việc quản lý rủi ro bị ảnh hưởng. Ngoài ra việc kiêm nhiệm các nhiệm vụ trong CTCK cũng làm cho việc quản lý rủi ro không mang tính hiệu quả cao. Ví dụ nếu trưởng phòng tự doanh cũng đồng thời làm trưởng phòng quản lý rủi ro sẽ khiến việc quản lý rủi ro không còn ý nghĩa. Hoạt động tự doanh là hoạt động dùng vốn của công ty để KDCK. Hoạt động tự doanh chứa đựng rất nhiều rủi ro. Nếu thực hiện việc quản lý rủi ro bằng các biện pháp phòng ngừa thì lợi nhuận của hoạt động tự doanh sẽ bị giảm sút và doanh số của phòng tự doanh sẽ không đạt chỉ tiêu. Vì thế việc quản lý rủi ro sẽ không được sử dụng một cách đầy đủ để phòng ngừa rủi ro trong trường hợp này.

Thứ năm, đa số các phòng quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán chỉ làm nhiệm vụ là phát hiện ra các rủi ro chứ chưa có những biện pháp để giám sát hay phòng ngừa rủi ro khi rủi ro xuất hiện. Nguyên nhân của vấn đề này là do hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ, hệ thống cảnh báo sớm chưa được chú trọng phát triển. Vấn đề không phải CTCK không nhận thức được sự cần thiết của các hệ thống này mà liên quan đến chi phí để triển khai thực hiện. Nghiên cứu thực tế tại các CTCK cho thấy nhiều CTCK đang phải dành một khoản chi phí không nhỏ để thuê tư vấn, mua công nghệ và tuyển dụng đội ngũ chuyên trách cho bộ phận quản lý rủi ro. Điều này càng gia tăng sức ép lên các CTCK trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Đối các CTCK lớn, có tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh, hoạt động có lãi, có thể chi trả chi phí cho thiết lập hệ thống cảnh báo rủi ro sớm, nhưng đối với các CTCK nhỏ thì điều này không dễ dàng và có thể không thực hiện khi việc xây dựng hệ thống này không phải là yêu cầu bắt buộc.

Thứ sáu, vẫn còn một số bất cập trong các văn bản quy định về quản lý rủi ro đối với các CTCK. Chẳng hạn, quyết định 105 yêu cầu đến cuối năm 2013 tất cả các CTCK phải triển khai thực hiện khung quản lý rủi ro nêu trên. Nhưng thực tế không có một chuẩn mực về thời gian giống nhau cho tất cả các công ty chứng khoán vì các ràng buộc về con người, kiến thức, quy trình và công cụ là khác nhau ở từng CTCK. Trung bình, CTCK có thể cần khoảng 3 tháng để bổ sung kiến thức nội bộ, xây dựng các thước đo về rủi ro. Việc quyết định khả năng chấp nhận rủi ro, các định mức cũng có thể mất thời gian cho Hội đồng Quản trị và tiểu ban quản lý rủi ro. CTCK sẽ cần khoảng 6 tháng để hoàn chỉnh xây dựng điều lệ quản lý rủi ro, các quy trình thủ tục và biểu mẫu báo cáo, có thể tiến hành làm đánh giá rủi ro lần đầu. Việc xây dựng các chỉ số về rủi ro (KRIs) sau đó có thể được xúc tiến. Khung thời gian này đòi hỏi sự hiện diện của cán bộ chuyên trách về quản lý rủi ro và sự cam kết thực hiện của Hội đồng Quản trị và ban giám đốc.

3. Nguyên nhân

3.1. Nhóm nguyên nhân bên ngoài công ty

Một là, các cơ quan quản lý như UBCKNN, SGDCK chưa có những quy định cụ thể để giúp công ty chứng khoán hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, toàn diện quy trình quản lý rủi ro. Hiện nay quy định về quản lý rủi ro đối với CTCK chủ yếu dựa trên Thông tư 226 về Tỷ lệ an toàn tài chính. Trong đó nhấn mạnh đến quy định về an toàn vốn, nhưng chưa đưa ra được những quy định cụ thể về đo lường và xử lý rủi ro như hệ thống các NHTM đang làm, chẳng hạn như Basel I, II, III. Hơn nữa, các chế tài về xử lý rủi ro chưa sát với thực tế, còn nhẹ và mang nặng tính tượng trưng, do đó  dù đã có những quy định về việc quản lý rủi ro ở các CTCK như thông tư 226 nhưng thực tế vẫn có rất nhiều sai phạm xảy ra và các CTCK vẫn tiếp tục mắc phải.

Hai là,  TTCK Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa cung cấp nhiều các công cụ, sản phẩm đa dạng, phong phú, đặc biệt thiếu hẳn thị trường chứng khoán phái sinh – nơi cung cấp và giao dịch các công cụ phòng hộ rủi ro như các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi… Điều này dẫn đến các chủ thể tham gia TTCK, bao gồm cả các CTCK thường gặp khó khăn trong vấn đề tìm kiếm các công cụ phòng hộ và xử lý rủi ro. Chủ yếu các biện pháp xử lý rủi ro là hạn chế các rủi ro xảy ra bằng các nghiệp vụ kiểm soát nội bộ, kiểm tra đối chiếu… Các công ty không có nhiều cơ hội để chủ động phòng ngừa rủi ro dẫn đến việc chấp nhận song hành cùng các rủi ro trong hoạt động kinh doanh để kiếm được lợi nhuận cao hơn.

Ba là, những quy định, hành lang pháp lý đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán đang tạo ra môi trường kinh doanh quá thận trọng. Chẳng hạn như các quy định cho vay chứng khoán: mua ký quỹ, bán khống vẫn còn khá dè dặt và mang tính cấm đoán, phải tách biệt giữa hoạt động NHTM và kinh doanh chứng khoán, do đó đã phần nào hạn chế các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh của công ty dẫn đến việc các công ty muốn phát triển buộc phải “xé rào” thực hiện các nghiệp vụ bán khống, liên kết với NHTM để cho vay, mặc dù biết rằng điều này là rất rủi ro.

Bốn là, các chương trình giảng dạy ở Việt Nam chưa đề cập sâu và riêng biệt đối với lĩnh vực quản trị rủi ro nên ít người có chuyên môn về lĩnh vực này. Đây là vấn đề liên quan đến nhân lực của việc quản lý rủi ro. Muốn quản lý rủi ro tốt không chỉ cần mô hình tổ chức hợp lý, quy trình cụ thể logic mà còn cần chất lượng của những người thực hiện việc quản lý rủi ro. Do đây là vấn đề mới trên thị trường nên ở các trường đại học ở Việt Nam chưa có những chương trình giảng dạy, các môn học chuyên sâu về lĩnh vực này. Các sinh viên không được tiếp cần với vấn đề nên không nhận thức rõ được sự quan trọng hay các hậu quả của viêc không quản lý tốt các rủi ro trên thị trường. Do đó các CTCK thiếu nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực quản lý rủi ro khiến cho việc quản lý rủi ro ở hiện tại và tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

3.2. Nhóm nguyên nhân bên trong công ty

Mô hình tổ chức, hoạt động của CTCK còn nhiều bất ổn, chưa xác định được một mô hình tối ưu, phù hợp với TTCK Việt Nam  nên chưa có điều kiện để áp dụng hiệu quả mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại trong quản lý, điều hành CTCK. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức hoạt động của CTCK Việt Nam khác với mô hình Ngân hàng đầu tư tại các nước trên thế giới, do đó chưa triển khai được hệ thống QLRR như các NHĐT đã làm. Trên thực tế, NHĐT thực chất là một Công ty chứng khoán nhưng ở mức độ phát triển cao hơn với các loại nghiệp vụ đa dạng và phức tạp hơn. Ở một số nước, xu hướng chuyển sang mô hình NHĐT khá rõ ràng và được quy định cụ thể trong luật. Chẳng hạn, theo pháp luật Cộng hòa Pháp, ban đầu CTCK được hiểu là công ty thực hiện môi giới CK trong khuôn khổ độc quyền chi phối của pháp luật. Hiện nay, theo Bộ luật tài chính tiền tệ, CTCK được chuyển đổi thành công ty dịch vụ đầu tư là những pháp nhân cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán nhưng không có tư cách là tổ chức tín dụng. Đó không chỉ là CTCK như trước đây mà còn thực hiện các dịch vụ tương tự như các NHĐT: quản lý DMĐT, bảo lãnh phát hành, quản lý các công ty đầu tư, đại lý thị trường liên ngân hàng và cung cấp các dịch vụ tài chính khác. Mô hình tổ chức hoạt động của các NHĐT rất chặt chẽ trong đó mô hình quản lý rủi ro thường quy định cụ thể và rõ ràng như đã đề cập trong phần kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Nguồn nhân lực. Lực lượng lao động hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán có sự phát triển nhanh cùng với sự phát triển của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ TTCK 2006-2008. Số liệu thống kê cho thấy tổng số nhân viên làm việc trong ngành chứng khoán cuối năm 2008 là 5,046 người, tăng 3,66 lần so với năm 2006. Con số này tiếp tục tăng lên 9% trong năm 2009 và 20% trong năm 2010. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là đi kèm với tốc độ gia tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực lại chưa được đảm bảo.

– Tỷ trọng nhân viên CTCK có giấy phép hành nghề mới chỉ chiếm khoảng 55% tổng số nhân viên. Như vậy, gần một nửa số nhân viên hiện đang làm việc trong ngành chứng khoán chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn hành nghề.

Nguồn: Báo cáp thường niên UBCKNN & CTCK

Biểu đồ 2.11 Tình hình cấp giấy phép hành nghề KDCK qua các năm

– Đội ngũ nhân sự có chuyên môn về tài chính doanh nghiệp và luật pháp để có thể thực hiện tư vấn và thực hiện các nghiệp vụ trong bảo lănh phát hành, tư vấn tái cấu trúc tổ chức doanh nghiệp, tư vấn phát hành, niêm yết lại rất mỏng. Nhân sự cao cấp, cán bộ điều hành quản lý ở các công ty luôn thiếu hụt hoặc có chất lượng thấp do số lượng công ty tăng nhanh, kéo theo sự cạnh tranh về nguồn nhân lực. Việc tuân thủ đạo đức hành nghề còn hạn chế và cá biệt đã có một số trường hợp người hành nghề vi phạm pháp luật bị xử lý như tại CTCK SME, Bảo hiểm dầu khí  trong năm 2012 …

Kiến thức về quản lý rủi ro của các nhân viên còn yếu. Phần lớn các nhân viên trong phòng quản lý rủi ro là những người không có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà họ đang làm việc. Khi không có kinh nghiệm và những hiểu biết về việc quản lý rủi ro sẽ làm cho việc quản lý rủi ro không hiệu quả. Họ không nhận biết được các rủi ro, không có những biện pháp để tránh các rủi ro, không ước lượng được các ảnh hưởng về tài chính mà các rủi ro có thể mang lại từ đó không có những dự phòng cần thiết để bù đắp các khoản lỗ đó.

– Chế độ đãi ngộ dành cho các nhân viên trong phòng quản lý rủi ro chưa cao, thường thấp hơn các nhân viêc của các bộ phận khác trong CTCK. Do đó các nhân viên trong phòng quản lý rủi ro thường không có động lực trong công việc, không làm việc với tinh thần cao nhất. Việc không có chế độ lương thưởng cho phòng quản lý rủi ro như các phòng kinh doanh khác của công ty khiến tâm lý người lao động cũng bị ảnh hưởng theo tâm lý của công ty về vấn đề quản lý rủi ro, tức là không coi trọng vấn đề quản lý rủi ro.

– Công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý rủi ro cho nhân viên trong các CTCK chưa được chú trọng, hoặc nếu có chỉ mang tính thời điểm và cá biệt. Chưa tạo ra được môi trường đào tạo thường xuyên, liên tục và mang tính hệ thống trên phạm vi toàn công ty.

Công nghệ thông tin. Kỹ thuật, công nghệ được xem là một trong nhưng công cụ giúp CTCK gia tăng sức mạnh cạnh tranh trên TTCK. Đây là chìa khóa giúp CTCK có thể cung ứng các dịch vụ cho khách hàng một cách nhanh và tiện ích nhất. Trong những năm qua các CTCK Việt Nam không ngừng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh như đầu tư hệ thống thiết bị giao dịch, hệ thống giao dịch từ xa để kết nối giao dịch trực tuyến với các Sở GDCK. Tuy nhiên, theo đánh giá cuối năm 2012, mới chỉ có hơn 60% trong tổng số các CTCK đang hoạt động tại Việt Nam đạt chuẩn về chất lượng công nghệ trong giao dịch. Hơn nữa, để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ, các CTCK phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đầu tư hệ thống giao dịch. Song điều này không dễ dàng gì đối với các CTCK có quy mô nhỏ, nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm trong những năm gần đây. Kết quả phân tích cho thấy, trung bình toàn ngành mức độ đầu tư TSCĐ trong các CTCK thường chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng một xu hướng đáng quan tâm là tỷ trọng giá trị TSCĐ/NVCSH của các công ty thời gian qua có xu hướng ngày một giảm và mức độ đầu tư ngược chiều với quy mô tài sản của công ty, năm 2011 tỷ trọng này chỉ là 3,47%, trong khi năm 2010 là 3,94%; năm 2009 là 4,44 % và năm 2008 là 4,81%.

Năng lực quản lý điều hành. Tại các Công ty cổ phần chứng khoán Việt Nam do nhiều lý do như tuổi đời non trẻ, tiềm lực hạn chế, trình độ cổ đông và ban lãnh đạo doanh nghiệp hạn chế nên quản trị doanh nghiệp nói chung, nhất là quản trị doanh nghiệp hiện đại chưa được quan tâm đúng mức. Trước áp lực cạnh tranh với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài già dặn trong kinh doanh, các CTCK Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế về quản trị, đây là điểm yếu mà không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn.

Với các công ty cổ phần kể cả những công ty đang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và SGDCK Tp HCM, dù đã là công ty cổ phần đại chúng niêm yết song nhiều công ty hiện vẫn mang tư tưởng kinh doanh dựa trên quan hệ quen biết, không coi trọng lợi ích của các cổ đông nhỏ, chưa giải quyết hài hòa các mối quan hệ của công ty, chiến lược kinh doanh không rõ ràng, kinh doanh manh mún, bị động, chạy theo biến động thị trường, quản lý rủi ro còn mang nặng tính hình thức.

Đánh giá thực trạng quản lý rủi ro của các công ty cổ phần chứng khoán ở Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?