Đánh giá tác động về mặt kinh tế và xã hội do nghiện ma túy gây ra

hoa cúc

Mục lục

Đánh giá tác động về mặt kinh tế và xã hội do nghiện ma túy gây ra

Mục tiêu

Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá thực trạng tình hình nghiện ma tuý và tác động của việc nghiện ma tuý đến các mặt kinh tế – xã hội, đánh giá kết quả công tác cai nghiện ma tuý trong thời kỳ 2011-2014, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội do nghiện ma tuý gây ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và điều trị cai nghiện ma tuý nói riêng.

Những phát hiện chính

Người nghiện ma tuý vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh về số lượng với tốc độ tăng bình quân đạt mức 8,5%/năm thời kỳ 2011-2014 và lan rộng trên toàn quốc khiến cho công tác quản lý người nghiện ma tuý của chính quyền các cấp ngày càng nhiều khó khăn, thách thức.

Nghiện ma túy đã và đang gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội theo hướng tiêu cực và khó kiểm soát, gây nên những thiệt hại nhất định về kinh tế – xã hội; gây bất ổn về an ninh trật tự xã hội; làm suy yếu tính gắn kết xã hội; tan vỡ gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình, một bộ phận người dân. Vấn đề nghiện ma tuý đã và đang đặt ra áp lực lớn cho xã hội trong vấn đề tài chính do tăng các chi phí ngân sách của gia đình cũng như của xã hội trong việc thực hiện các hoạt động khắc phục và giải quyết các hậu quả do nghiện ma tuý đem lại.

Hệ thống pháp luật phòng, chống tệ nạn ma tuý nói chung và quản lý người nghiện ma túy nói riêng vẫn còn những bất cập, chồng chéo về văn bản quy phạm pháp luật và chế tài xử lý, việc ban hành chính sách còn thiếu đồng bộ khiến cho việc triển khai thực hiện chính sách còn hạn chế, không có tính răn đe, dẫn đến tạo kẽ hở cho người nghiện ma túy lợi dụng để lẩn trốn tham gia các chương trình điều trị, cai nghiện ma túy.

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trong những năm qua đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo và đầu tư phát triển các điểm, các mô hình quản lý, tổ chức điều trị cai nghiện và sau cai nghiện tại cộng đồng. Tính đến tháng 9/2014 đã có 287 quận/huyện thực hiện công tác điều trị cai nghiện tại cộng đồng, chiếm 40,5% tổng số quận/huyện toàn quốc. Công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa được triển khai tại 100% địa bàn có người nghiện ma tuý khiến cho người nghiện ma túy còn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng; Công tác chỉ đạo, điều hành tại các địa phương còn thiếu tính quyết liệt; thiếu cơ sở vật chất; thiếu về số lượng cán bộ cơ sở và hạn chế hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chỉ mới dừng lại ở khâu cắt cơn, thiếu các giải pháp quản lý, hỗ trợ sau giai đoạn cắt cơn dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao; thiếu chính sách hỗ trợ người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã ảnh hưởng tính tự nguyện thực hiện các biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng của người nghiện ma tuý chưa cao.

Biện pháp điều trị bằng chất thay thế methadone đã được Bộ Y tế khẳng định là có hiệu quả đối với người nghiện ma túy dạng thuốc phiện và đang có xu hướng được chấp nhận trong nhóm nghiện ma tuý. Tuy nhiên, việc tiếp cận sử dụng dịch vụ này vẫn còn nhiều khó khăn đối với họ bởi những rào cản: i) mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa phát triển rộng khắp đến 100% địa bàn có người nghiện ma tuý; ii) quy định về thủ tục hành chính (về địa bàn cư trú), người nghiện thuộc địa bàn nào có cung cấp dịch vụ điều trị bằng chất thay thế methadone thì mới được sử dụng dịch vụ; iii) nguồn thuốc methadone còn hạn chế,… Bên cạnh đó, một bộ phận người nghiện ma tuý lợi dụng việc điều trị bằng methadone để trốn tránh việc bị bắt buộc đưa đi cai nghiện tại Trung tâm.

Mạng lưới trung tâm quản lý cai nghiện ma túy phát triển rộng khắp tại 63 tỉnh/thành phố. Tính đến tháng 9/2014, có tổng số 123 trung tâm cai nghiện với tổng công suất thiết kế tiếp nhận khoảng 67 nghìn người. Tuy nhiên, phần lớn trung tâm được thành lập theo quy mô nhỏ (55,3% tổng số trung tâm có công suất tiếp nhận dưới 500 người), hoạt động đầu tư chủ yếu vào cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đầu tư trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện tại Trung tâm; đầu tư ngân sách mang tính dàn trải, gây lãng phí về nguồn nhân lực cán bộ, nhân viên (có nơi thừa, có nơi lại thiếu), … Vì thế, công tác cai nghiện tại Trung tâm chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn.

Giải pháp, khuyến nghị

Tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, và ban hành sớm các thông tư hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý.

Phòng, chống ma túy gắn liền với đổi mới và nâng cao năng lực chỉ đạo, hiệu lực, hiệu quả điều hành quản lý Nhà nước trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế quản lý và điều hành các chương trình phòng, chống TNXH nói chung, tệ nạn ma túy nói riêng. Nghiên cứu xây dựng một hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện việc theo dõi, đánh giá một cách đồng bộ và thống nhất về tình hình tệ nạn ma tuý.

Tăng cường hoạt động đào tạo, tuyên truyền về các chương trình và hoạt động can thiệp giảm tác hại để nâng cao nhận thức cho cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ làm công tác phòng chống TNXH các cấp nhằm bảo đảm tính phối hợp và thống nhất triển khai chương trình, tạo sự đồng thuận của cộng đồng đối với các hoạt động can thiệp giảm tác hại của tệ nạn xã hội nói chung, nghiện ma tuý nói riêng.

Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ can thiệp hỗ trợ nhằm giúp cho người nghiện ma túy có cơ hội giảm thiểu các tổn thương và tái hoà nhập cộng đồng. Áp dụng các giải pháp đồng bộ về kinh tế – xã hội hỗ trợ cho người nghiện ma túy, nhất là dạy nghề, lao động trị liệu, tạo việc làm… để rèn luyện và cách ly môi trường tệ nạn xã hội.

Nghiên cứu phát triển mạng lưới cơ sở điểm tư vấn, chăm sóc và điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện. Nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển các điểm cung cấp dịch vụ điều trị cai nghiện bằng chất thay thế methadone theo hướng bao phủ đến 100% xã/phường có người nghiện ma tuý, xoá bỏ rào cản về thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người nghiện ma tuý dễ dàng tiếp cận dịch vụ này.

Nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm cai nghiện bắt buộc phù hợp với yêu cầu thực tế của các địa phương và đáp ứng yêu cầu về đổi mới công tác cai nghiện trong xu thế hội nhập quốc tế, tập trung nguồn lực đầu tư, tránh tình trạng lãng phí về nguồn nhân lực cán bộ, nhân viên, nguồn quỹ đất…

Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác phòng, chống nghiện ma túy, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc và các cơ sở điều trị cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng.

Tăng cường huy động nguồn lực (gồm cả tài chính và con người) trong nước và quốc tế đầu tư cho công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng hợp tác với các nước láng giềng, các nước có chung biên giới trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và nghiện ma tuý nói riêng

Đánh giá tác động về mặt kinh tế và xã hội do nghiện ma túy gây ra

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?