Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của Ngân hàng thương mại

Mục lục

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của Ngân hàng thương mại

1. Các nhân tố bên ngoài ngân hàng

Các nhân tố này hợp thành môi trường kinh doanh của NHTM. Môi trường kinh doanh của một NHTM là hoàn cảnh trong đó NHTM tồn tại và tiến hành các hoạt động và bị ảnh hưởng chi phối bởi nó. Môi trường kinh doanh của NHTM có thể được mô tả bằng hàng loạt các yếu tố được coi như những lực lượng tác động từ ngoài đến các hoạt động kinh doanh của NHTM. Tác động của mỗi yếu tố khác nhau về phương thức, chiều hướng và mức độ. Phần nhiều các yếu tố này và những tác động của chúng mang tính chất khách quan và ngân hàng khó kiểm soát được. Cách thức của ngân hàng là nhận biết đúng đắn, kịp thời để có thể thích nghi với chúng.

Môi trường kinh doanh bên ngoài của một NHTM có thể phân tích thành hai cấp độ:

+ Môi trường vĩ mô (môi trường tổng quát) bao gồm các yếu tố: kinh tế, chính trị, pháp luật, Chính phủ, văn hóa xã hội, dân số, tự nhiên, thế giới có ảnh hưởng đến tất cả các ngành kinh doanh và tất cả các định chế tài chính khác không riêng gì đối với các ngân hàng. Khi những yếu tố này thay đổi sẽ tác động đến các hoạt động của ngân hàng thương mại buộc ngân hàng phải thích nghi để ổn định và phát triển bền vững

+ Môi trường vi mô (môi trường tác nghiệp) bao gồm: các đối thủ cạnh tranh hiện hữu, khách hàng, các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn và các thị trường tài chính thay thế. Đây là các yếu tố trong nội bộ ngành ngân hàng và liên quan đến tác nghiệp kinh doanh của một ngân hàng. Nó quyết định chất và mức độ cạnh tranh trong ngành đối với ngân hàng. Mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt sẽ ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của ngân hàng.

Tuy nhiên, sự phân định này về cơ bản chỉ mang ý nghĩa tạo thuận lợi cho việc nhận rõ tầm quan trọng của các yếu tố có mức độ tác động khác nhau đến hoạt động của một NHTM

1.1. Môi trường vĩ mô (Môi trường chung)

1.1.1. Yếu tố quốc tế

Xu hường toàn cầu hóa dẫn đến sự hội nhập mạnh mẽ giữa các nền kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới. Đối với mỗi ngành kinh tế, hội nhập vừa mang đến những cơ hội đồng thời cũng gây ra nhiều thách thức. Hệ thống NHTM Việt Nam cũng vậy, các cơ hội đó là: công nghệ ngân hàng tiên tiến, kỹ năng quản lý ngân hàng hiện đại, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới, đồng hành là những thách thức: năng lực tài chính yếu, trình độ cán bộ bất cập, quy trình hoạt động chưa tuân theo chuẩn mực chung, mức độ minh bạch hóa chưa cao…Do vậy, hội nhập quốc tế đòi hỏi mỗi ngân hàng cần nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, phát hiện các thị trường tiềm năng, tìm hiểu các diễn biến về kinh tế và chính trị, theo dõi và dự báo xu hướng vận động của hệ thống tài chính quốc tế, cập nhật chính sách tiền tê của các quốc gia lớn có ảnh hưởng đến thị trường tài chính thế giới qua đó tận dụng tối đa các cơ hội và có chiến lược đối mặt với thách thức.

1.1.2. Yếu tố kinh tế

Những thay đổi về chu kỳ kinh tế (suy thoái, bão hòa hay tăng trưởng), tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP, triển vọng của các ngành nghề kinh tế phải sử dụng vốn của NHTM, cơ cấu chuyển dịch giữa các khu vực kinh tế, mức độ ổn định của giá cả, lãi suất, tình trạng thất nghiệp, khả năng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, cán cân thanh toán và ngoại thương… đều có tác động mạnh đến hoạt động của NHTM. Việc nghiên cứu có hệ thống và theo dõi thường xuyên biến động của những yếu tố này cho phép các NTHM có những thích ứng phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

1.1.3. Yếu tố chính trị, pháp luật và chính sách của Chính phủ

Trong hoạt động kinh doanh của NHTM yếu tố này luôn phải được phân tích kỹ lưỡng vì bản chất của NHTM là một trung gian tài chính và hoạt động của nó có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống tài chính quốc gia. Do đó, so với các ngành khác, Nhà nước có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về phương diện pháp luật và chính sách trên nhiều lĩnh vực khác nhau như cạnh tranh, phá sản, sáp nhập, cơ cấu tổ chức ngân hàng, các quy định về cho vay, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng rủi ro tín dụng, quy mô vốn tự có…được quy định trong Luật ngân hàng và các văn bản hướng dẫn thị hành Luật. Mặt khác, các chính sách tài chính, tiền tệ của chính sách lãi suất, tỷ giá, thuế quan, quản lý nợ của Chính phủ và các cơ quan hữu quan như Ngân hàng Trung ương, Bộ tài chính…cần phải được các NHTM thường xuyên cập nhật để có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động.

1.1.4. Yếu tố môi trường, văn hóa xã hội

Yếu tố này bao gồm nhiều vấn đề mang tính lâu dài và chậm thay đổi như văn hóa tiêu dùng, thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng trong đời sống, tập quán tiết kiệm, đầu tư, ứng xử trong quan hệ giao tiếp, kỳ vọng cuộc sống, cộng đồng tôn giáo, sắc tộc…Nắm bắt được các vấn đề này để tạo ra nhu cầu sử dụng sản phẩm các dịch vụ ngân hàng của dân cư, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thói quan của dân cư là giúp ngân hàng thích ứng với môi trường để phát triển.

1.1.5. Yếu tố công nghệ

Trong ngành công nghiệp ngân hàng, sự chuyển biến nhanh chóng của công nghệ thông tin tạo ra bước đột phá trong cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Do đó, mỗi ngân hàng cần phải nắm bắt xu hướng công nghệ mới để không bị lạc hậu và bị mất lợi thế trong cạnh tranh. Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng: trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập như hiện nay, có ba nhân tố quyết định thành công của mỗi ngân hàng thương mại đó là: con người công nghệ và chiến lược hoạt động. Hơn bao giờ hết, yếu tố công nghệ khẳng định vị trí của mình. Ngân hàng nào nắm bắt, theo kịp và làm chủ được những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ thành công trên thương trường.

1.1.6. Yếu tố dân số

Cơ cấu dân số theo độ tuổi, giới tính, thu nhập , mức sống, tỷ lệ tăng dân số quy mô dân số giữa các khu vực kinh tế, giữa thành thị và nông thôn. Tất cả các nhân tố này đều phải được các ngân hàng quan tâm chăm sóc. Đây là nguồn khách hàng của ngân hàng, là người tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Tạo ra các sản phẩm dịch vụ thích ứng với từng nhóm khách hàng sẽ giúp ngân hàng bán hàng thành công, duy trì và gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Từ đó, giúp ngân hàng tồn tại và phát triển.

1.1.7. Yếu tố tự nhiên

Đây là sự khan hiếm của các nguồn tài nguyên, khả năng sản xuất hàng hóa trên các vùng tự nhiên khác nhau, vấn đề ô nhiễm môi trường, thiếu năng lượng hay lãng phí tài nguyên thiên nhiên có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư hay cho vay của ngân hàng.

1.2. Môi trường vi mô

1.2.1. Khách hàng

Đây là bộ phận quyết định sự sống còn của một ngân hàng trong môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, trong hoạt động của ngân hàng, khách hàng không có sự đồng nhất và họ có thể vừa là người cung ứng nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng vừa có thể là người sử dụng nguồn vốn của ngân hàng, đồng thời sử dụng nhiều dịch vụ tài chính khác. Do vậy, ngân hàng phải xác định khách hàng của mình là ai?, khách hàng của ngân hàng là doanh nghiệp hay cá nhân, hay cả hai nhóm khách hàng trên?. Điều quan trọng trong hoạt động của một NHTM là xác định rõ tập khách hàng mục tiêu và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Để làm tốt điều này ngân hàng cần phải phân tích khách hàng. Nôi dung phân tích khách hàng: sự tín nhiệm của khách hàng, năng lực thương lượng và trả giá của khách hàng, lịch sử quan hệ với ngân hàng của khách hàng, mức độ trung thành của khách hàng, thái độ của khách hàng đối với các dịch vụ của ngân hàng, kiến thức và sự thành thục trong việc ra các quyết định tài chính của khách hàng, sự am hiểu về quy trình dịch vụ của khách hàng, năng lực đầu tư, qui mô và sự ổn định trong thu nhập và kinh doanh của khách hàng, tính chất nhạy cảm với chất lượng dịch vụ hay lãi suất của khách hàng.

1.2.2. Các đối thủ cạnh tranh hiện hữu

Đây là các đối thủ luôn tranh đua và dùng các thủ thuật để tạo lợi thế cạnh tranh, xâm chiếm thị phần của nhau.

Đặc biệt xu hướng nới lỏng các quy định tạo sức ép cạnh tranh ngày càng lớn giữa các ngân hàng với nhau cũng như các định chế tài chính khác như bảo hiểm, các công ty tài chính, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí Mức độ cạnh tranh tùy thuộc vào số lượng các định chế tài chính tham gia vào thị trường, mức độ tăng trưởng của ngành, xu hướng chi phí và vị thế ngân hàng trong ngành.

Việc tham gia thị trường của các đối thủ cạnh tranh mới đồng nghĩa với việc phải chia sẻ các nguồn lực, thị phần hiện có. Như một hệ quả, giá cả các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên thị trường sẽ giảm hoặc chi phí tăng..
Do vậy, làm giảm khả năng sinh lời và có thể ảnh hưởng đến mức độ tự vững về hoạt động và tự vững về tài chính của ngân hàng.

Một ngân hàng muốn phát triển bền vững trước hết phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh do đó việc phân tích và dự báo mức độ cạnh tranh của ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng.

1.2.3. Các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn

Hiên tại rất khó phân biệt được hoạt động của một ngân hàng (trung gian tài chính ngân hàng) và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Đây chính là các đối thủ cạnh tranh tiềm ần của ngân hàng. Đây là những đối thủ đang tranh đua và dùng các thủ thuật để tăng lợi thế cạnh tranh, xâm chiếm thị phần, thị trường.

Số lượng và quy mô các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn càng nhiều, thủ thuật cạnh tranh càng đa dạng thì mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ càng khốc liệt và do đó ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của mỗi ngân hàng.

1.2.4. Các thị trường tài chính thay thế

Trong kinh doanh ngân hàng, các dịch vụ thay thế là rất hiếm có. Nhưng khi thị trường tài chính ngày càng phát triển càng xuất hiện nhiều nhu cầu dịch vụ mới thay thế cho các sản phẩm, dịch vụ truyền thống như khuynh hướng khách hàng thay vì sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống như tiền gửi và cho vay là khuynh hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán thay vì gửi tiền vào ngân hàng khuynh hướng đầu tư vào bất động sản, khuynh hướng tự tài trợ bằng phát hành cổ phiếu, trái phiếu thay vì đi vay ngân hàng (đối với khách hàng là doanh nghiệp) Các sản phẩm dịch vụ thay thế càng hấp dẫn, giá cả càng hợp lý bao nhiêu thì môi trường cạnh tranh của các ngân hàng thương mại ngày càng khốc liệt hơn bấy nhiêu.

Hoạt động trên thị trường tài chính ở Việt Nam thời gian gần đây cho thấy do nhiều yếu tố tác động đến những người có vốn tiến tệ, bắt buộc họ phải suy nghĩ để lựa chọn một hướng đầu tư có lợi nhất. Những yếu tố tác động mạnh mẽ vừa qua như: tỷ lệ lạm phát tăng, giá vàng tăng cao đột biến… đã tác động đến nhiều người gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng thương mại. Họ có xu hướng rút tiền tiết kiệm để mua vàng và làm đảo lộn chiến lược nguồn vốn của NHTM.

Nói tóm lại, môi trường kinh doanh của ngân hàng bao gồm nhiều yếu tố và có tác động khác nhau đến hoạt động của ngân hàng. Muốn PTBV, các ngân hàng cần phải phân tích sự thay đổi của môi trường và điều chỉnh những hoạt động của ngân hàng sao cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường này ở hiện tại và tương lai để tạo sự ổn định, thích ứng từ đó tăng trưởng và phát triển. Đây chính là sự PTBV

2. Các nhân tố bên trong ngân hàng thương mại

Các nhân tố bên trong cấu thành nên một ngân hàng là: năng lực hoạch định chiến lược kinh doanh, năng lực quản trị và điều hành, công nghệ ngân hàng, nguồn nhân lực, các dịch vụ thích ứng với thị trường, Marketing, hệ thống phòng ngừa rủi ro, mạng lưới chi nhánh và năng lực tài chính. Tất cả các nhân tố trên đều có ảnh hưởng, tác động tích cực hay tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững NHTM Tuy nhiên, Trong phạm vi luận án tác giả chỉ nghiên cứu 4 nhân tố bên trong ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của NHTM là: nguồn nhân lực, năng lực quản trị, danh mục sản phẩm dịch vụ và công nghệ ngân hàng.

2.1. Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực của bất cứ ngân hàng nào là lợi thế so sánh quan trọng vì chính con người là yếu tố “động nhất” trong mọi quá trình sản xuất. Nguồn nhân lực của ngân hàng được đánh giá thông qua hai chỉ tiêu là số lượng lao động và chất lượng nguồn nhân lực.

Số lượng lao động: là chỉ tiêu tuyệt đối phản ánh nguồn nhân lực của một ngân hàng..

Chất lượng nguồn nhân lực: chất lượng nguồn nhân lực của ngân hàng được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng mềm như: khả năng giao tiếp, thuyết trình, năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh, tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, đạo đức nghề nghiệp…

Ngoài ra chính sách nhân sự bao gồm: công tác đào tạo, bố trí và xắp xếp cán bộ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra bộ máy đơn giản gọn nhẹ nhưng vẫn phát huy được năng lực của mỗi nhân viên từ đó nâng cao năng suất lao động.

Nếu ngân hàng có lực lượng lao động hợp lý ở mỗi chi nhánh, mỗi điểm giao dịch là điều kiện thuận lợi để mở rộng các hoạt động kinh doanh, gia tăng quy mô nguồn vốn và tài sản cho các chi nhánh và cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Ngân hàng có nhiều chi nhánh cũng làm tăng khả năng tiếp cận của ngân hàng.

Mặt khác, đặc điểm hoạt động của ngân hàng là cung cấp các sản phẩm dịch vụ nên chính đội ngũ nhân lực sẽ tạo ra những dịch vụ thoả mãn cả 6 tiêu chí: tính đúng thời gian, thái độ phục vụ, tính đồng nhất, sự thuận tiện để có được sản phẩm tính hoàn chỉnh của sản phẩm dịch vụ và tính chính xác, không sai sót.

Chính chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất tạo nên chất lượng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng Ngân hàng nào tạo ra chất lượng cho sản phẩm dịch vụ của mình mới có khả năng cạnh tranh, thu hút, giành giật khách hàng để gia tăng lợi nhuận.

Như vậy, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tạo và duy trì thu nhập cho ngân hàng. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ tác nghiệp cũng là yếu tố tạo nên tính an toàn trong hoạt động của mỗi ngân hàng.

2.2. Năng lực quản trị

Năng lực quản trị phản ánh năng lực điều hành của hội đồng quản trị cũng như ban giám đốc ngân hàng. Năng lực quản trị thể hiện thông qua các tiêu chí sau

– Khả năng hoạch định và tổ chức thực hiện các chiến lược, chính sách và quy trình kinh danh, quy trình quản trị rủi ro, kiểm toán và kiển soát nội bộ

– Sự phù hợp về cơ cấu tổ chức

Năng lực quản trị quyết định hiệu quả sử dụng các nguồn lực của ngân hàng Một hội đồng quản trị, ban giám đốc yếu kém sẽ không có khả năng đưa ra những chiến lược, chính sách hợp lí, thích ứng với những thay đổi của thị trường… gây nên lãng phí nguồn lực, gia tăng chi phí hoạt động, giảm khả năng dự đoán và chống đỡ các rủi ro và làm yếu đi năng lực cạnh tranh của ngân hàng đó, làm giảm khả năng phát triển bền vững của ngân hàng.

Do đó, năng lực quản trị là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng sinh lời, tính an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Mặt khác, thông qua chiến lược phát triển của mỗi ngân hàng còn có thể đánh giá mức độ hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường của ngân hàng đó

2.3. Danh mục sản phẩm dịch vụ

Dịch vụ ngân hàng bao hàm toàn bộ các hoạt động mà ngân hàng cung ứng cho khách hàng liên quan đến hoạt động tiền tệ, tín dụng thanh toán…thông qua các kênh phân phối khác nhau nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu dịch vụ tài chính của khách hàng mà pháp luật cho phép.

Sản phẩm dịch vụ ngân hàng có đặc điểm là rất dễ bị bắt chước và khách hàng không thể biết được chất lượng của sản phẩm đó nếu không sử dụng sản phẩm này nên chu kỳ sống của một sản phẩm dịch vụ ngân hàng thường là ngắn. Do vậy để có được lợi thế về sự khác biệt về sản phẩm và lợi thế của người đi trước ngân hàng luôn phải tìm hiểu, nghiên cứu thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm mới Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác nhau là tập hợp những đặc điểm, tính năng khác nhau và có thể thỏa mãn các nhu cầu, mong muốn đa dạng khác nhau của khách hàng. Danh mục sản phẩm dịch vụ của ngân hàng càng đa dạng,càng thỏa mãn nhiều nhu cầu của khách hàng, dễ dàng thu hút khách hàng. Từ đó, tăng mức độ tiếp cận của ngân hàng, tăng doanh thu tăng khả năng sinh lời giúp ngân hàng phát triển ổn định và bền vững.

2.4. Công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại – chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông – nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.

Năng lực công nghệ của mỗi ngân hàng thể hiện ở: hạ tầng, công nghệ thông tin của ngân hàng, chiến lược sử dụng tối ưu nguồn vốn để đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý, nâng cao kỹ thuật công nghệ của ngân hàng.

Ngân hàng thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, hầu hết các mảng hoạt động của khu vực ngân hàng đề gắn liền với việc tiếp nhận và xử lý thông tin, do vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và có hiệu quả của từng ngân hàng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Những thay đổi của công nghệ thông tin nói chung và nền tảng công nghệ thông tin mà ngân hàng áp dụng đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động kinh doanh ngân hàng Công nghệ mới không chỉ cho phép ngân hàng đổi mới quy trình nghiệp vụ, đổi mới cách thức phân phối, đặc biệt là sự phát triển của sản phẩm, dịch vụ mới. Những thay đổi của công nghệ thông đã tác động tới cách thức sử dụng sản phẩm dịch vụ vủa dân cư. Nó cũng tạo ra những nhu cầu, đòi hỏi mới về dịch vụ ngân hàng và hoạt động ngân hàng. Công nghệ ngân hàng hiện đại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ từ đó giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng tính sinh lời.

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của Ngân hàng thương mại

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?